Thăm trang trại nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Hòa Bình

Ngày đăng: 18/05/17  |  Đã xem: 3919
Ngày 23/3/2017, Đoàn làm việc của Ban QLDA Trung ương dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp, Tư vấn LIC và Hội Nông nghiệp hữu cơ đã đến thăm trang trại nông nghiệp hữu cơ của chị Hồng, chủ nhà hàng Mường Bi. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín từ chăn nuôi đến sử dụng chất thải chăn nuôi cho trồng trọt.

Trang trại của chị Hồng rộng khoảng 14 ha tại tỉnh Hòa Bình. Tại đây, chị Hồng đã tổ chức chăn nuôi lợn đặc sản (khoảng hơn 200 con lợn), bò và gia cầm hoàn toàn theo phương thức chăn nuôi hữu cơ truyền thống: nấu cám làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, không sử dụng thức ăn công nghiệp và các chất tăng trọng.
 
tham trang trai huu co hoa binh 2

Chất thải chăn nuôi được thu gom để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, nước rửa chuồng sau hót phân được đưa xuống 3 bể khí sinh học composit (khoảng 12 m3/bể), tất cả khí ga sinh ra được sử dụng cho nấu cám phục vụ chăn nuôi. Nước thải sau bioga được chứa vào bể lớn có lắp máy bơm để tưới cho cây trồng. Chủ trang trại còn sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi giun, trùn quế làm thức ăn hữu cơ giàu dinh dưỡng cho gia súc và gia cầm.
 
tham trang trai huu co hoa binh 3

Trang trại có trồng rất nhiều loại rau màu và cây dược liệu để phục vụ nhà hàng. Chủ trang trại hoàn toàn không sử dụng một chút hóa chất nông nghiệp, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất, hệ thống bẫy sâu hại và một số thuốc bảo vệ thực vật sinh học được tư vấn của chuyên gia bảo vệ thực vật.
 
tham trang trai huu co hoa binh 4

Chị Hồng tâm sự: làm nông nghiệp hữu cơ hết sức vất vả, nếu không có đam mê thì sẽ không thể theo đuổi được. Trang trại bị lỗ nhiều năm do sản phẩm hữu cơ rất khó bán được giá tương xứng với chi phí sản xuất và nhiều khách hàng không hiểu, không công nhận giá trị của sản phẩm hữu cơ do trang trại sản xuất. Tuy nhiên, qua thời gian gần 10 năm làm trang trại hữu cơ, chị và mọi người đều nhận thấy giá trị của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là làm cho sức khỏe của những người tham gia sản xuất được tốt lên, môi trường được đảm bảo và cộng đồng được hưởng lợi.
 
tham trang trai huu co hoa binh 5

Về xử lý chất thải chăn nuôi, vấn đề mà dự án quan tâm, chị Hồng chia sẻ: chị được chuyên gia cung cấp cho loại chế phẩm của Đài Loan rất tốt, sử dụng chế phẩm này để ủ phân giúp cho thời gian chuyển hóa thành phân bón hữu cơ rất nhanh, khi trộn chế phẩm vào bể chứa nước thải sau bioga để bơm nước tưới vườn thì cây trồng sinh trưởng rất tốt. Ngoài ra, sử dụng phân bò để nuôi giun và trùn quế vừa giúp có nguồn thức ăn tươi cho chăn nuôi, vừa sử dụng được phế phụ phẩm sau nuôi giun, trùn làm phân bón hữu cơ rất tốt. Vui chuyện, chị chia sẻ thêm: qua nghiên cứu tôi thấy giun rất thích tập trung ở xung quanh bờ bao của bể nuôi, do vậy chỉ cần xúc đất ở xung quanh bể là khai thác được phần lớn giun, không cần phải bới tung cả bể như nhiều nơi khác thường làm. Cũng có thể vun một đống phân để giun tập trung đến ăn và thu hoạch tại đó rất dễ. Qua kinh nghiệm thực tế, chị đã tích lũy được nhiều kỹ thuật hay về nuôi giun, trùn quế để chia sẻ giúp mọi người cùng làm tốt.
 
tham trang trai huu co hoa binh 6

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của chị Hồng cần được nghiên cứu để đưa ra bài học kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và quản lý chất thải chăn nuôi của dự án nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày 04/4/2017 vừa qua, những mô hình quản lý chất thải chăn nuôi và sản xuất hữu cơ như của chị Hồng sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.
 
tham trang trai huu co hoa binh 7


Người viết:

TS. Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc dự án LCASP
Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây