Nâng cao nguồn nhân lực dự án LCASP đã thúc đẩy Chuỗi quản lý chất thải nông nghiệp tuần hoàn phát triển hiệu quả.

Ngày đăng: 28/12/18  |  Đã xem: 3210

Mở đầu

Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp, dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ đã được Bộ NN&PTNT và nhà tài trợ  phê chuẩn Kế hoạch đào tạo tổng thể đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Với mục tiêu nâng cao trình độ cho cán bộ (quản lý, khuyến nông, cán bộ nghiên cứu) từ trung ương đến địa phương và tập huấn cho người dân về vận hành bảo quản công trình khí sinh học có hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tập trung nâng cao nhận thức cho học viên  về các vấn đề chung liên quan đến nông nghiệp các bon thấp, những lĩnh vực mà dự án LCASP quan tâm, về thị trường tín chỉ cacbon và các quy trình công nghệ liên quan đến  nông nghiệp các bon thấp, góp phần nhân rộng các kết quả của dự án vào thực tiễn bền vững.

Để minh chứng về tác động của nhiệm vụ này, Ban quản lý dự án Trung ương (CPMU)  và địa phương  (PPMU) cùng chuyên gia tư vấn đã thực hiện một số chuyến khảo sát đánh giá, tác động của hoạt động đào tạo nâng cao nguồn nhân lực của các tỉnh tham gia dự án, minh chứng sau đây cho thấy hoạt động Nâng cao nguồn nhân lực dự án LCASP đã thúc đẩy Chuỗi quản lý chất thải nông nghiệp tuần hoàn phát triển hiệu quả tại tỉnh Phú Thọ nói riêng và tại 10 tỉnh tham gia dự án nói chung.

2. Chuỗi quản lý chất thải nông nghiệp tuần hoàn phát triển hiệu quả,  nhìn từ trang trại của doanh nghiệp Xuân Sơn, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Chị Phạm Thị Kim Xứng là chủ doanh nghiệp Xuân Sơn.  Đây là một doanh nghiệp tư nhân đã được hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hầm khí sinh học cỡ vừa của dự án LCASP Phú Thọ.

Với mục tiêu nuôi thỏ an toàn để bán cho công ty Nhật Bản xuất khẩu sang Nhật chế tạo thuốc. Quy mô trên 18.000 con, mỗi năm doanh nghiệp có doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, một công ty của Nhật Bản đã ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.  Tuy nhiên khi chăn nuôi với số lượng quá lớn, lượng chất thải rắn và lỏng thải ra hàng ngày đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không chỉ cho khu đất trồng trọt khoảng 10 ha của doanh nghiệp mà còn cho kênh mương tiêu thoát nước và các vùng sản xuất lúa, rau mầu xung quanh. Bức xúc về ô nhiễm môi trường chưa có cách giải quyết, doanh nghiệp lại thường xuyên phải mua bột trùn quế với giá 500.000 đ/kg ngoài thị trường để bổ xung vào thức ăn nuôi thỏ, để thỏ đủ protein khỏe mạnh và lớn nhanh, đáp ứng được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.  

Trước những khó khăn như vậy, chị Phạm Thị Kim Xứng đã tìm hiểu tại địa phương có Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tổ chức các khóa đào tạo để giúp người dân quản lý chất thải chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả hơn.

Chị cho chúng tôi biết, từ khi được dự án LCASP Phú Thọ đào tạo về Nông nghiệp các bon thấp, nhất là kỹ thuật làm phân bón hữu cơ và nuôi trùn quế từ phụ phẩm chăn nuôi, quản lý chất thải lỏng bằng hầm khí sinh học, chị đã gặp Kỹ thuật viên của dự án. Với năng lực đã được đào tạo, cùng với sự hỗ trợ tỷ mỷ tận tình của các kỹ thuật viên, chị đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng một hầm khí sinh học với dụng tích 70.6m3. Toàn bộ phân rắn chị thu mang ủ để nuôi trùn quế, chất thải lỏng được đưa vào hầm khí sinh học. Trùn quế chị dùng để làm thức ăn cho cá, sấy khô để bổ sung dinh dưỡng cho thỏ. Hàng ngày doanh nghiệp của chị đủ gas để đun nấu thức ăn, nước tắm, giặt.. cho 15 người cả công nhân (10 người) và thành viên gia đình chị (5 người), cũng như nấu cám lợn để nuôi mỗi lứa từ 7 -10 con lợn thịt.  Nhờ có đủ gas doanh nghiệp của chị đã tiết kiệm được mỗi tháng 1.800.000đ (mỗi năm tiết kiệm được 21.600.000 đ mua gas công nghiệp). Chất thải lỏng sau biogas được chạy qua các bể xử lý nước thải, không còn hôi thối và đen như trước nữa. Chị đã dùng  nước thải sau biogas tưới cho 6 sào lúa, 7 sào vườn rau, cây ăn quả, cỏ đặc chủng (dùng nuôi thỏ), chị không phải mất đồng nào để mua phân bón hóa học nữa.

Với mô hình quản lý chất thải theo chuỗi tuần hoàn khép kín, doanh nghiệp Xuân Sơn, Thanh Thủy, Phú Thọ đã tận dụng tối đa các phụ phẩm cả trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả, không chỉ bán được 4 tỷ đồng tiền thỏ mỗi năm, mà còn tiết kiệm được hàng chục triệu tiền chất đốt. Doanh nghiệp của chị có đủ loại rau, thịt, cá sạch để phục vụ  cho công nhân đang làm cho doanh nghiệp, đôi khi dư thừa chị còn dùng để tặng cho người thân và họ hàng.

Nhìn chị đảo các luống trùn quế thoăn thoắt, nhìn 18.000 con thỏ trắng xinh khỏe mạnh, thấy cả vùng đất 10 ha của doanh nghiệp một màu xanh của nông nghiệp hữu cơ.  Không mùi hôi, không có nước thải đen ngòm đẩy vào kênh mương và các vùng sản xuất lân cận như trước nữa. Nhìn sự hồ hởi của chủ doanh nghiệp, cả đoàn chúng tôi ra về ai cũng thấy vui. Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã mang lại hiệu quả đích thực, thu hút các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn và hiệu quả. Chúng tôi tin rằng mô hình của doanh nghiệp Xuân Sơn sẽ là một mô hình được nhiều người dân học để nhân rộng vào thực tiễn.

 

PT1

PT2

PT3

PT4

PT5
 
Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây