Kiểm tra tiến độ thực hiện các hoạt động của gói thầu số 29, thuộc Dự án hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp –LCASP

Ngày đăng: 31/10/18  |  Đã xem: 3224

 Hoạt động  được kiểm tra: "Nghiên cứu công nghệ giảm chất thải trong nước và bùn ao nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học để phát triển nhóm tảo làm thức ăn (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho tôm chân trắng" tại Bến Tre.

 

          Ngày 30/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra kết quả triển khai hoạt động thuộc gói thầu 29. Hoạt động được kiểm tra là: "Nghiên cứu công nghệ giảm chất thải trong nước và bùn ao nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học để phát triển nhóm tảo làm thức ăn (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho tôm chân trắng" tại hộ nuôi Ông Lê Xuân Hữu, địa chỉ xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tham gia đoàn có ông Đinh Vũ Thanh (Phó vụ trưởng Vụ KHCNMT), Ông Nguyễn Thế Hinh (Phó trưởng Ban quản lý các dư án Nông nghiệp; Giám đốc dự án Nông nghiệp Các bon thấp - LCASP), và các đại diện khác thuộc Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp và nhà thầu gói thầu số 29.

Trong quá trình kiểm tra khảo sát, Đoàn nhận thấy việc bố trí thí nghiệm rất quy mô và bài bản theo nội dung thuyết minh đã được Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường phê duyệt, bao gồm: Hệ thống bể ương tôm giống, ao nuôi tôm, ao nuôi chứa chất thải nuôi cá rô phi và hệ thống ao xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Trong quả trình nuôi chế phẩm sinh học được sử dụng hợp lý và có kiểm soát để giảm tối đa chất thải (trong nước và bùn) ngay tại ao nuôi tôm. Hệ thống nuôi được vận hành khép kín, đảm bảo không thải nước thải, bùn thải ra môi trường bên ngoài. Nước từ ao nuôi tôm được xi phông ra ao nuôi cá rô phi, chất hữu cơ lơ lửng tiếp tục được cá rô phi xử lý triệt để, sau đó nước từ ao nuôi cá rô phi được cấp ngược trở lại ao nuôi tôm.

Nhà thầu đã có hệ thống ghi chép, theo dõi, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước ao nuôi tôm, chất lượng nước ao nuôi cá rô phi để tính toán lượng chất thải (trong nước và bùn) được xử lý bằng chế phẩm sinh học ngay tại ao nuôi. Hồ sơ theo dõi các chỉ tiêu môi trường ao nuôi, hệ số tiêu tốn thức ăn, tốc độ sinh trưởng, phát triển của tôm dưới tác động của chế phẩm sinh học để so sánh với ao nuôi tôm đối chứng (trong ao đất, nuôi theo phương pháp thông thường, sử dụng hoá chất, kháng sinh là chính) theo đúng những nội dung nghiên cứu đã được nêu trong hợp đồng của gói thầu. Quan sát thực tế cho thấy tôm khỏe mạnh, phát triển tốt.

Nhà thầu đã bổ sung đầy đủ các thiết bị đo kiểm môi trường (pH, DO, Kiềm, toC, độ trong, NH3, NO2, Ca, Mg, mật độ tảo...); đã cử 2 cán bộ trực tiếp theo dõi, ghi chép hằng ngày các chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình nuôi. Nhà thầu cũng đã triển khai thêm các nội dung không có trong thuyết minh đề tài là: Nuôi cá rô phi trong ao chứa chất thải để xử lý nước; Áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt - VietGAP cho cơ sở nuôi, nếu được chứng nhận VietGAP, cơ sở sẽ đạt đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch, an toàn môi trường và an sinh xã hội theo Quy phạm VietGAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhìn chung, mô hình nghiên cứu công nghệ giảm chất thải trong ao nuôi tôm bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học để phát triển nhóm tảo làm thức ăn (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho tôm chân trắng tại Bến Tre đã và đang triển khai đúng tiến độ, thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh, đồng thời đã bổ sung thêm một số hoạt động ngoài nội dung được duyệt của  mô hình nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình.

Chuyến đi thăm và kiểm tra đã diễn ra tốt đẹp. Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn:
 

7
 
2

3

5
 
1
 
8
Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây