Việc xây dựng dự án này sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Từ đó, hướng tới giảm khí thải nhà kính, giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và phế phẩm trong nông nghiệp, góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.
Đồng chí Quách Văn Tây - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, thông qua dự án này, sẽ có hơn 3.600 hầm biogas các loại được xậy dựng tại các hộ chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Tổng vốn đầu tư của Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” tại Sóc Trăng là hơn 39 tỷ 200 triệu đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á hơn 35 tỷ 500 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.
Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ được thực hiện tại 10 tỉnh là: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nam Định, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, với tổng kinh phí là 84 triệu USD. Dự án được thực hiện trong thời gian 6 năm (2013-2018) bao gồm các hợp phần: quản lý chất thải chăn nuôi, tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và quản lý dự án.
Ông Trần Hoà Bình ở xã Tân Long, huyện Ngã Năm cho biết, nhà ông có chăn nuôi heo nên từ khi xây dựng hầm biogas đã phát huy rất tốt việc giảm nguồn khí thải ô nhiễm vào môi trường, một bài toán khó đối với những hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ như ông đang gặp phải từ nhiều năm qua; nhưng hiện nay, nhờ có xây dựng được hầm biogas tại gia đình ông mà bài toán về chăn nuôi nhỏ lẻ tại nông hộ như ông được giải quyết, giúp cho gia đình ông yên tâm phát triển đàn heo của mình mà không sợ gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh. Việc có hầm biogas còn giúp cho gia đình ông tận dụng được nguồn gas để đun nấu trong gia đình, giảm được chi phí sinh hoạt.
Sự hiệu quả của Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” tại gia đình ông Trần Hòa Bình ở Tân Long đã chỉ ra rằng, môi trường xung quanh từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không bị ô nhiễm nghiêm trọng như trước đây, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng hầm biogas để phục vụ xử lý môi trường trong chăn nuôi; đồng thời thông qua dự án đã giúp cho người dân có thể sử dụng được năng lượng tái tạo từ hầm khí biogas để phục vụ cho sinh hoạt cũng như sản xuất, góp phần trong xây dựng nông thôn mới, cũng như giải phóng sức lao động của phụ nữ. Đấy là chưa kể, khi dự án kết thúc, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn khi Sóc Trăng là một trong những địa phương cho số lượng trâu, bò chiếm cao trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cùng hàng trăm trang trại chăn nuôi gà, chăn nuôi heo... việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo từ hầm khí biogas sẽ rất lớn, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường, lại nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập cho người chăn nuôi./.