Nơi nhà nhà có hầm biogas

: Thứ tư - 16/11/2016 22:20  |  Đã xem: 1611
Đến nay, toàn xã Hải Phong, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã xây, lắp được khoảng 300 công trình khí sinh học. Rất nhiều hộ chỉ nuôi 7 con lợn cũng xây hầm biogas

Hải Hậu là huyện nông thôn mới (NTM) điển hình của tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước những sức ép không nhỏ, nhất là sự gia tăng về quy mô chăn nuôi tại địa phương, mà điển hình là chăn nuôi lợn.

Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Nông nghiệp xã Hải Phong chia sẻ, vừa rồi cán bộ Thú y xã thống kê địa phương có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ xen lẫn khu dân cư. Phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ.

Trước đây, thiết kế chuồng trại của bà con rất đơn giản (một phần nền, một phần là hố trữ chất thải). Tại hố trữ phân thải, họ đổ rơm, trấu. Khi phân đầy, chủ chuồng lấy ra và bón cho đồng ruộng. Nhưng bây giờ, người ta không dùng phân chuồng để bón ruộng nữa. Bài toán xử lý chất thải dư thừa ngày càng khó giải.

Những năm qua, nhất là từ năm 2011, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tại huyện Hải Hậu nói chung và xã Hải Phong nói riêng đã tập trung triển khai các nội dung trong tiêu chí số 17 về môi trường (gồm cả môi trường dân sinh, môi trường trong cộng đồng dân cư và môi trường trong chăn nuôi).

Riêng với môi trường chăn nuôi, thực tế đã có một bộ phận người dân đầu tư xây hầm biogas bằng gạch, nhưng chưa nhiều. Nguyên nhân là do thu nhập từ các chuồng nuôi nhỏ lẻ không thực sự lớn, nên để bố trí được khoảng 10 triệu đồng/hầm khí sinh học không phải chuyện đơn giản.

"Từ năm 2013, khi dự án LCASP được khởi động ở tỉnh Nam Định, cán bộ dự án đã mở lớp tập huấn tại từng huyện. Trưởng ban Nông nghiệp xã và cán bộ Thú y xã được tham gia. Ngay sau đó, chúng tôi đã lồng ghép việc tuyên truyền dự án trong các cuộc họp ở UBND và các thôn, xóm. Đài Phát thanh xã cũng liên tục tuyên truyền về lợi ích mà người chăn nuôi được hưởng khi tham gia dự án. Mới đầu, người dân còn dè dặt. Nhưng may mắn là tất cả các công trình dự án xây lắp đều vận hành rất tốt, giá thành rẻ và mang lại hiệu quả xử lý môi trường rất khả quan", ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, đây là lần đầu tiên có một dự án hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas lên tới 3 triệu đồng/công trình. Bởi vậy, rất nhiều bà con tranh thủ cơ hội để được hưởng ưu đãi của nhà nước. Đến nay, toàn xã đã xây, lắp được khoảng 300 công trình khí sinh học. Rất nhiều hộ chỉ nuôi 7 con lợn cũng xây hầm biogas.

Trước đây, khu chuồng nuôi lợn của gia đình bà Vũ Thị Hợp (xóm 6C, xã Hải Phong) xây theo kiểu bậc cao bậc thấp. Chỗ thấp trũng làm hố chứa phân. Nhưng, vì mùi hôi thối bốc lên nặng quá, bà là người đầu tiên đăng ký xây hầm biogas chất liệu composite. Từ đó, chuồng trại luôn được giữ gìn sạch sẽ và gần như không còn mùi. Lợn ít bệnh và lớn nhanh hơn. Nước thải sau khi được xử lý bằng hầm biogas được bà bơm lên, tưới cho vườn rau sạch và 64 cây cau của gia đình, chúng xanh non mơn mởn. Chiếc bếp gas, sử dụng bình gas hóa lỏng trong bếp gần như không cần sử dụng đến, bởi việc đun nấu đã có bếp gas từ hầm biogas. Nhiều người dân xung quanh đến tham quan, thấy hiệu quả nên đã rủ nhau đăng ký tham gia dự án LCASP.

Nhà bác Nguyễn Vũ Đệ (60 tuổi) trước đây cũng đau đầu vì xử lý phân thải của 7 con lợn nái và hơn 10 lợn thịt. Cứ khoảng 2 tháng, hố chứa phân lại đầy. Sáng sớm, mấy vị cao niên trong xóm đi thể dục qua nhà, gặp gió may ai nấy đều bịt mũi. Cứ tiếp tục, tình làng nghĩa xóm sẽ rạn nứt. Nhưng, những mối lo đó giờ đã không còn, bởi sau 3 năm lắp hầm biogas, công trình này xử lý rất hiệu quả chất thải chăn nuôi.

Ông Đệ cho biết, nguồn khí gas từ chiếc hầm dung tích 7m3 đủ để nấu 2 nồi cám lợn quân dụng và đun nấu thức ăn hằng ngày. Tính ra, mỗi tháng gia tình ông tiết kiệm được ít nhất 300.000 đồng. Con gái ông (chị Nguyễn Thị Mơ) cũng xây hầm biogas, dung tích lớn hơn để tận dụng nguồn khí gas nấu rượu.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây