LCASP Nam Định - Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng hầm bi-ô-ga

: Thứ hai - 10/09/2018 00:30  |  Đã xem: 1426
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nói chung và các trang trại, gia trại chăn nuôi nói riêng trên địa bàn tỉnh ta phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với sự gia tăng số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi là vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra. Một trong những giải pháp góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã phát huy hiệu quả thực tế là đầu tư xây dựng công trình khí sinh học bi-ô-ga.
nd
Trang trại của một hộ chăn nuôi lợn xã Hải Đông (Hải Hậu) được xây hầm bi-ô-ga giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 

Mỗi năm, huyện Hải Hậu sản xuất gần 24 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng các loại. Toàn huyện có 48 trang trại, 583 gia trại lợn; 72 trang trại và 387 gia trại gia cầm, do vậy lượng chất thải trong chăn nuôi khá lớn nên công tác bảo vệ môi trường luôn đứng trước sức ép không nhỏ. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: Là huyện NTM nên vấn đề bảo vệ môi trường huyện xác định đặt lên hàng đầu trong chỉ đạo phát triển sản xuất, những hộ nào đã chăn nuôi là phải xây dựng hầm bi-ô-ga. Tất cả các chủ trang trại, gia trại phải cam kết bằng văn bản với UBND xã về vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất, hộ nào để xảy ra ô nhiễm là bị nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính như đã cam kết. Hiện nay, ở xã Hải Phong đã xây lắp được khoảng 300 hầm bi-ô-ga. Rất nhiều hộ chỉ nuôi 7 con lợn cũng xây hầm bi-ô-ga. Bà Vũ Thị Hợp, xóm 6C cho biết: Trước đây chuồng nuôi lợn của gia đình được xây theo kiểu bậc cao bậc thấp, chỗ thấp trũng làm hố chứa phân. Nhưng vì mùi hôi thối bốc lên nặng quá, bà là người đầu tiên đăng ký xây hầm bi-ô-ga chất liệu composite theo dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) và được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng. Từ đó, chuồng trại luôn sạch sẽ và gần như không còn mùi hôi, lợn ít mắc bệnh và lớn nhanh hơn. Nước thải sau khi được xử lý bằng hầm bi-ô-ga được bà bơm lên, tưới cho vườn rau sạch và hàng cau của gia đình. Bếp gas và bình gas sắm trước đó gần như không cần sử dụng đến, bởi việc đun nấu bằng gas từ hầm bi-ô-ga đã đảm bảo đủ. Nhiều người dân xung quanh đến tham quan, thấy hiệu quả nên đã rủ nhau đăng ký tham gia dự án LCASP và xây lắp hầm bi-ô-ga.

Bi-ô-ga là khí sinh học do một số vi khuẩn phân giải chất hữu cơ trong môi trường kỵ khí tạo ra. Nguyên liệu cho sản xuất khí sinh học là chất hữu cơ, phân động vật, lá thân cây cỏ, nước thải, nước. Các nguyên liệu đó được ủ trong bể, túi kín kỵ khí để hình thành khí CH4 dễ cháy. Đây là một trong những giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi cũng như chất thải sinh hoạt tại nông thôn. Lợi ích của hầm bi-ô-ga là tạo nguồn năng lượng để thắp sáng, sưởi ấm, chạy máy phát điện; chất cặn thải sau quá trình lên men dùng để bón cho cây trồng sẽ hạn chế được việc sử dụng phân hoá học. Ngoài ra, quá trình lên men trong điều kiện kỵ khí thì các vi khuẩn gây bệnh cho con người có trong cặn thải đã được tiêu diệt. Như vậy, phát triển bi-ô-ga không chỉ giải quyết vấn đề năng lượng mà còn là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 800 nghìn con lợn; 7,2 triệu con gia cầm; 40 nghìn con trâu, bò. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Trong đó, chất thải của lợn là 1,1 triệu tấn (chiếm hơn 70%) còn lại là trâu, bò và gia cầm. Những năm qua, ngoài việc khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương và các tổ chức như: dự án LCASP, dự án ứng dụng công nghệ khí sinh học của tổ chức phát triển Hà Lan (SNV)... các hộ chăn nuôi trong tỉnh được tập huấn kiến thức về vận hành công trình khí sinh học, hỗ trợ xây lắp, cách xử lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 16 nghìn hầm bi-ô-ga, trong đó: 2.500 công trình của dự án SNV, 5.500 công trình của dự án LCASP, còn lại là các công trình do các hộ chăn nuôi tự xây. Các công trình này được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Là người có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Văn Luyến ở xóm 1, xã Hải Giang (Hải Hậu) nuôi 50 con lợn và 15 con bò nên mỗi ngày lượng chất thải ra rất nhiều, nếu không có hầm bi-ô-ga xử lý chất thải thì ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trước kia, chưa có hầm bi-ô-ga, gia đình ông xử lý chất thải của lợn xuống hầm tạm bợ, nhưng chỉ được một thời gian, chất thải trong hầm đầy lên và tràn ra ngoài, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Tham gia dự án LCASP được hỗ trợ 3 triệu đồng, ông Luyến đã đầu tư thêm 12 triệu đồng để xây hầm bi-ô-ga thể tích 12m3 và bể lắng chất thải trước khi vào hầm bi-ô-ga, bể môi trường nên không còn bốc mùi hôi thối. Ông Luyến cho biết: Nước thải đã qua xử lý được tái sử dụng để tưới cho cây trồng còn bã thải từ hầm bi-ô-ga cũng là một loại phân hữu cơ vi sinh rất tốt nên tôi dùng bón cho cây trồng, rau màu tại vườn nhà. Nhờ có hầm bi-ô-ga, chuồng trại luôn sạch sẽ, người dân sống quanh khu vực này không còn phản ánh về mùi hôi thối bốc ra từ chuồng lợn nhà ông nữa. Ngoài hiệu quả khi tiết kiệm kinh phí mua phân bón ông còn tiết kiệm được cả chi phí chất đốt bởi có lượng khí sinh học từ hầm bi-ô-ga thoải mái để đun nấu sinh hoạt và nấu cám cho lợn. Theo tính toán của ông Luyến, bình quân mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được khoảng 300 nghìn đồng tiền chất đốt. Tới trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Xuân Dư, xóm 12, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có quy mô nuôi 250 con, hiện đang nuôi 150 con lợn. Gia đình ông đầu tư 52 triệu đồng xây hầm bi-ô-ga thể tích 50m3. Từ khi đưa hầm bi-ô-ga vào sử dụng, hằng tháng gia đình ông tiết kiệm được khoảng 200 nghìn đồng tiền chất đốt, vấn đề môi trường cũng được cải thiện, chuồng nuôi không còn bốc mùi hôi thối.

Qua khảo sát thực tế một số hộ chăn nuôi ứng dụng mô hình hầm bi-ô-ga trên địa bàn tỉnh ta, có thể nhận thấy rõ hiệu quả nhiều mặt. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu tư mỗi hầm bi-ô-ga còn cao so với thu nhập của nông dân, việc thay thế, sửa chữa công trình khó khăn do thiếu cơ sở dịch vụ kỹ thuật. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người nuôi còn chủ quan, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sống của cộng đồng và của chính gia đình mình. Với số lượng, quy mô chăn nuôi của tỉnh ta cho thấy nhu cầu xây lắp hầm bi-ô-ga trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn rất lớn. Để khuyến khích, vận động phát triển hầm bi-ô-ga cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích, hiệu quả cũng như cách thức vận hành, khai thác an toàn. Mặt khác, rất cần sự quan tâm, tiếp tục hỗ trợ kinh phí tạo đòn bẩy để người chăn nuôi mạnh dạn xây lắp hầm bi-ô-ga xử lý chất thải chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sạch, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM bền vững và phát triển trên địa bàn tỉnh./.
 

http://baonamdinh.com.vn/

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây