Cán bộ tỉnh về thôn dạy học Suốt 3 năm qua, hàng ngàn nông dân đã được “bồi bổ” kiến thức về xử lý chất thải chăn nuôi, kỹ thuật vận hành công trình khí sinh học (biogas) thông qua những lớp học này.
Tập huấn cho nông dân về xử lý chất thải chăn nuôi do LCASP Nam Định tổ chức.
Không nặng hình thức, chẳng cần phô trương, chỉ với một chiếc laptop kết nối với máy chiếu và loa, các “giáo viên” không chuyên say sưa giảng bài. Mỗi lớp tập huấn có khoảng 50 - 70 học viên. Họ là những người chăn nuôi vừa được dự án LCASP hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học.
Không chỉ được tư vấn về nguyên lý hoạt động, họ còn được hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật nạp nguyên liệu đầu vào hầm biogas, lắp đặt thiết bị truyền dẫn khí gas, thiết bị đun nấu và bảo dưỡng định kỳ công trình biogas.
Không dừng lại ở đó, những nội dung nóng bỏng của ngành chăn nuôi như sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh; quản lý dịch bệnh và sử dụng thuốc thú y cũng được cán bộ của dự án tư vấn nhiệt tình. Những kiến thức ấy đã khai mở cho người chăn nuôi tiếp cận những vùng tri thức mới rất quý báu để ứng dụng hiệu quả, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Chị Lê Thị Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định gắn bó với những lớp tập huấn chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính của dự án LCASP từ những ngày đầu tiên.
Chị chẳng nhớ mình đã bao nhiêu lần đứng trên bục giảng thuyết trình kiến thức cho nông dân. Chị chỉ biết rằng, tuần nào cũng phải về xã 1 - 3 lần. Nay huyện này, mai huyện khác. Trước khi triển khai dự án, chị Thảo được BQL Trung ương dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Thế nhưng, mỗi buổi tập huấn, giáo viên phải soạn một “giáo án” riêng, phù hợp với trình độ của người học tại mỗi địa phương. Ngôn ngữ và phong cách phải rất mộc mạc, dễ hiểu và đưa ra nhiều ví dụ thực tế để người học dễ dàng liên tưởng.
Ngày nghỉ vẫn miệt mài
BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Nam Định chỉ có 8 người phụ trách tập huấn. Trung bình mỗi năm tổ chức khoảng 150 lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, 100% là cán bộ kiêm nhiệm, bởi vậy, ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhà nước giao, họ phải gánh vác trọng trách rất nặng nề.
Anh Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định chia sẻ, có những thời điểm cùng lúc phải tổ chức 3 lớp học, tại 3 địa phương khác nhau. Anh em trong BQL phải chia nhau làm cật lực, những chuyến công tác địa phương vào ngày nghỉ là chuyện thường tình như cơm bữa. Mệt vậy, nhưng chúng tôi có động lực để cố gắng, bởi đi đến đâu cũng được bà con trân trọng, yêu mến.
Khi cán bộ dự án của tỉnh rời “phòng lạnh” để về với dân, chắc chắn, những quyết sách của Trung ương sẽ được triển khai nhanh gọn và hiệu quả. Và, BQL dự án LCASP tỉnh Nam Định là minh chứng điển hình.
Nam Định là địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh. Tổng đàn lợn toàn tỉnh có khoảng 800.000 con, đàn trâu 6.500 con, gia cầm 7,2 triệu con. Đi kèm với hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao, thì gánh nặng ô nhiễm môi trường ngày càng hiện rõ. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nam Định, mỗi năm tỉnh này có khoảng 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Trong đó chất thải của lợn là 1,1 triệu tấn (chiếm 73%). Vậy nên, những lớp tập huấn nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường mà BQL dự án LCASP tỉnh có ý nghĩa rất lớn.
“Muốn thay đổi tập quán sản xuất của người dân không phải một sớm một chiều là làm được. Nhưng, sau khi được tập huấn, mỗi học viên lại trở thành những tuyên truyền viên nhân dân. Họ sẽ góp phần thay đổi nhận thức của các hộ dân xung quanh mình như nguyên lý vết dầu loang”, anh Tấn nói.
Bên cạnh việc tổ chức lớp tập huấn trực tiếp tại địa phương, ngay từ những ngày thực hiện dự án, BQL đã chủ động phối hợp, tổ chức sản xuất chương trình, bài viết và đăng tải trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Những video, clip, bản tin, bài báo được đăng tải định kỳ trên cả báo in, truyền hình, báo mạng điện tử và hệ thống truyền thanh từ tỉnh đến từng thôn, xóm. Cán bộ BQL cũng dầy công thiết kế tờ rơi, poster và treo tại những vị trí trang trọng nhất tại trụ sở UBND xã, các điểm công cộng có nhiều hộ chăn nuôi.
Khi được hỏi về dự án cũng như quá trình tập huấn, anh Nguyễn Văn Hiếu (người chăn nuôi lợn xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) nhận định: “Cán bộ tập huấn nhiệt tình chu đáo lắm, nói đến đâu là hiểu đến đấy. Nội dung tập huấn cũng rất phong phú, nhiều vấn đề về chăn nuôi như chất cấm hay dịch bệnh của bà con đều được giải đáp hết”.