Kỹ thuật viên Dự án LCASP huyện Lạng Giang trao đổi với anh Nguyễn Văn Ngọc về cách sử dụng hầm khí biogas để đạt hiệu quả cao nhất
Hơn 10 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc, thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), chăn nuôi lợn với quy mô từ 100 đến 200 con lợn. Trước đây, mỗi tháng gia đình anh phải bỏ ra hơn 500 nghìn đồng để mua chất đốt, vào những ngày hè nóng nực chất thải trong chuồng lợn bốc lên rất khó chịu…
Từ năm 2014, nhờ có dự án hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp tỉnh Bắc Giang (LCASP), kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm khí sinh học biogas với dung tích 40 m³. Được sự hỗ trợ kỹ thuật của các kỹ thuật viên dự án huyện, công trình hầm khí sinh học biogas đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Từ khi có hầm khí biogas gia đình tôi đã tiết kiệm chi phí về chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cặn bã từ hầm khí biogas gia đình tôi đưa xuống ao cho cá ăn vừa tiết kiệm lại an toàn, ngoài ra còn dùng để làm phân bón cho cây trồng, rau màu… tự cung tự cấp, không phải đi mua, gia đình tôi rất vui vì đã lựa chọn làm hầm khí biogas này”.
Chung niềm vui đó, khi được hỗ trợ 3 triệu đồng từ dự án, gia đình chị Mai Thị Hương, thôn Vĩnh Thịnh, xã Tân Hưng (Lạng Giang) đã đầu tư xây dựng hầm khí biogas nhằm tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Gia đình chị Hương hiện nuôi khoảng 100 con lợn, nhờ có hầm khí biogas mà chất thải từ lợn hiện gia đình chị đã tận dụng để dùng làm chất đốt vừa nấu cám lợn lại sử dụng sinh hoạt gia đình mà lượng gas nhiều có lúc dùng không hết, ngoài ra chị còn sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Chị Hương nói: “Gia đình tôi xây hầm khí biogas từ năm 2015, từ đó đến nay tôi thấy không khí môi trường trong lành, dễ chịu hơn, đặc biệt không phải dọn chuồng nhiều cũng như đun nấu vất vả. Tôi thấy rất vui vì giảm được đáng kể công sức và thời gian lao động”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương sử dụng khí biogas làm chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày
Thực tế, từ năm 2014 đến nay, đã có gần 1000 hộ dân chăn nuôi trong huyện tham gia dự án. Sau khi được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật đa số hộ dân đều xây dựng hầm khí biogas theo kiểu KT1 gồm: Bể nạp, bể phân giải, bể điều áp (đây là kiểu hầm được ứng dụng tại vùng có nền đất tốt, mực nước ngầm thấp, có thể đào sâu và diện tích mặt bằng hẹp). Từ đó các hộ gia đình đã tiết kiệm được chi phí về chất đốt, phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá, giảm thiểu công lao động, đồng thời mang lại bầu không khí trong lành trong khu dân cư.
Theo bà Nguyễn Thị Bắc, Tổ trưởng tổ thợ xây thuộc dự án LCASP trên địa bàn huyện Lạng Giang, để có hầm khí biogas đạt chất lượng tốt cần quan tâm đến nguyên vật liệu xây dựng và kỹ thuật khi tiến hành làm. Việc khảo sát địa hình, điều kiện của từng gia đình để xây lắp cho phù hợp là rất quan trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gas. Bên cạnh đó cần hướng dẫn cho người dân sử dụng như thế nào cho đúng kỹ thuật và phù hợp để mạng lại hiệu quả cao nhất cho mỗi gia đình.
Nhận xét về chất lượng sử dụng hầm khí biogas ở huyện Lạng Giang, Anh Hoàng Văn Sơn, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT, kỹ thuật viên dự án LCASP huyện Lạng Giang (Bắc Giang), cho biết: “Trải qua 3 năm triển khai, thực hiện dự án, rất nhiều hộ dân trong huyện đã đồng tình hưởng ứng, đây là một tín hiệu vui đối với chúng tôi. Qua khảo sát thực tế ở những hộ đã và đang sử dụng hầm khí biogas chúng tôi thấy chất lượng gas rất tốt, ra đều, ổn định. Ô nhiễm môi trường ở những khu vực này đã giảm đáng kể”.
Từ những hiệu quả do hầm khí biogas mang lại, có thể thấy đây là hướng đi đúng mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi ở Lạng Giang nói rêng và các huyện trong tỉnh nói chung, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tránh ô nhiễm môi trường.