Huyện nông thôn mới ở Nam Định hưởng lợi từ dự án LCASP

: Chủ nhật - 24/12/2017 20:16  |  Đã xem: 2186
Là địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp được huyện Hải Hậu đặc biệt quan tâm.
Trong bối cảnh chăn nuôi suy thoái, giá thịt lợn xuống thấp, nguồn lực đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi hạn hẹp, Ban quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Nam Định đã có cách làm sáng tạo nhằm xử lý chất thải chăn nuôi với chi phí thấp, hướng dẫn bà con thực hiện, qua đó giảm tác động đến môi trường.
08 19 38 20171115 102040
Cán bộ dự án LCASP Nam Định hướng dẫn công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi cho một chủ trang trại

Ông Nguyễn Trọng Tấn - Điều phối viên dự án LCASP tỉnh Nam Định chia sẻ: Khi công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, SX nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng vẫn là “chiếc cần câu cơm” của đại bộ phận nông dân Nam Định. Với chăn nuôi lợn, khi giá cả xuống thấp, nhiều hộ dân đã phá đàn để cắt lỗ. Tuy nhiên, nhiều gia trại, trang trại vẫn duy trì quy mô SX để đón đà tăng trưởng trở lại.

Để tiết giảm chi phí đầu vào, các hạng mục xử lý môi trường thường xem nhẹ, nguy cơ ô nhiễm sẽ gia tăng. Trước tình hình đó, BQL dự án LCASP đã tích cực mở lớp tập huấn cho hàng ngàn nông dân, hướng dẫn bà con thực hành các quy trình ủ phân compost; nuôi trùn quế bằng phân chuồng... để biến chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ.

Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, dự án đã hỗ trợ cho khoảng 5.000 hộ chăn nuôi xây hầm biogas (3 triệu đồng/công trình). Đây là giải pháp hữu hiệu để xử lý chất thải tại các hộ chăn nuôi nhỏ. Không những thế, các hộ xây hầm biogas còn được tập huấn cách vận hành và bảo trì hầm khí sinh học an toàn, hiệu quả cao. Nhờ vậy, những năm qua, không xảy ra sự cố đáng tiếc khi sử dụng hầm khí sinh học.

Là địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp được huyện Hải Hậu đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Triển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện đánh giá: “Dự án LCASP đã giúp huyện củng cố, xây dựng thiết chế về vệ sinh môi trường nông thôn. Bởi, thu nhập từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn ở địa phương”.

Thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm huyện Hải Hậu SX khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi. Trước đây, do lượng chất thải lớn, nhiều gia trại gây ô nhiễm, mất đoàn kết với các hộ liền kề. Để đạt được tiêu chí môi trường NTM, huyện quy định hộ chăn nuôi phải lắp đặt hầm biogas. Chủ trang trại, gia trại phải cam kết với UBND xã về đảm bảo vệ sinh môi trường, hộ nào để ô nhiễm bị nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính.

Là địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Nông nghiệp xã Hải Phong chia sẻ, năm 2013, cán bộ Thú y xã thống kê địa phương có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ xen lẫn trong khu dân cư. Phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ.

Trước đây, thiết kế chuồng trại rất đơn giản (một phần nền, một phần là hố trữ chất thải). Tại hố trữ phân thải, họ đổ rơm, trấu. Khi phân đầy, chủ chuồng lấy ra và bón ruộng. Nhưng bây giờ, người ta không dùng phân chuồng bón ruộng nữa, bài toán xử lý chất thải ngày càng khó giải.

Bởi vậy, khi biết tin dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng/hầm khí sinh học, rất nhiều người đăng ký, diện mạo nông thôn dần quy củ, sạch đẹp hơn. Bà Vũ Thị Hợp, hộ chăn nuôi ở xóm 6C, xã Hải Phong tâm sự: “Dự án thực sự là cứu cánh cho các hộ chăn nuôi. Bởi với điều kiện kinh tế hạn hẹp, để bỏ ra hơn 10 triệu lắp công trình khí sinh học không phải dễ”. Ngoài bảo vệ môi trường, hầm biogas nhà bà còn tận dụng khí gas đun nấu và thắp sáng, tiết kiệm hàng trăm ngàn đồng tiền điện/tháng.

Từ khi dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) được triển khai, đến nay huyện Hải Hậu có trên 1.200 công trình khí sinh học xây lắp và đi vào hoạt động, hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Đây cũng là huyện được hưởng lợi nhiều nhất trong tỉnh Nam Định từ những hỗ trợ của LCASP trong quá trình thiết lập vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, hiện tại BQL dự án LCASP đã hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai xây dựng 7 mô hình trình diễn về sử dụng công nghệ máy tách phân, làm nguyên liệu SX phân bón hữu cơ nhằm xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại; nghiên cứu và hỗ trợ xây dựng một số mô hình thí điểm để giảm tải cho các công trình khí sinh học.

Điển hình như mô hình tách phân bằng bể lắng 4 - 6 ngăn trước hầm biogas, triển khai ở Hải Hậu. Mô hình này đã hoàn thành. Vừa qua, BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp TƯ đã đi xem và rất ấn tượng. Ngoài ra, dự án còn triển khai mô hình ủ phân kết hợp nuôi giun quế... vừa nuôi trồng thuỷ sản, vừa tạo ra nguồn phân hữu cơ tốt cho cây trồng.

http://nongnghiep.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây