Hiệu quả từ xử lý môi trường khép kín trong chăn nuôi

: Thứ ba - 22/12/2020 16:19  |  Đã xem: 1464
Những năm qua lĩnh vực chăn nuôi đã trở thành thế mạnh của nhiều địa phương, không chỉ gia tăng giá trị toàn ngành nông nghiệp mà còn góp phần tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển đó thì vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
20200625140350 a huu
Cán bộ Ban Quản lý dự án LCASP Bắc Giang kiểm tra máy tách phân của gia đình ông Nguyễn Bá Hữu.
 

Trước thực tế này, những năm quan Ban Quản lý hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Bắc Giang (LCASP) đã triển khai hỗ trợ hệ thống xử lý môi trường trong chăn nuôi theo chuỗi hợp phần khép kín cho các trang trại. Qua đó, đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm, tạo thêm thu nhập cho người chăn nuôi.

Với hơn 1.000 con lợn thịt, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi luôn là bài toán khó đối với gia đình ông Nguyễn Bá Hữu, thôn Đầm Lác, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên. 

Mặc dù đầu tư hàng chục bể biogas để xử lý lượng phân thải ra song vẫn bị quá tải và chưa khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, Ban Quản lý dự án LCASP tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ gia đình ông hệ thống máy tách phân. Theo đó, hệ thống chất thải sau khi qua biogas sẽ được đưa vào hệ thống máy tách phân, tạo ra chất bã khô dùng để bón cho cây trồng. 

Theo ông Nguyễn Bá Hữu, cách làm này đã giải quyết được đáng kể lượng chất thải trong chăn nuôi của gia đình đồng thời có thêm lượng phân bón để phục vụ cho trồng trọt

Không chỉ hỗ trợ máy tách phân góp phần giảm quá tải cho hệ thống biogas và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, Ban Quản lý dự án LCASP Bắc Giang còn hỗ trợ gia đình ông Hữu hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi bằng công nghệ Weslen. 

Với 4 bể ngăn được xây dựng, trong đó có 3 ngăn xử lý chất thải, với các tầng đá hộc từ to đến nhỏ được trải  thành từng lớp trong các bể và trên cùng là đá dăm và cát vàng. Đặc biệt, trên mặt bể trồng cây thủy sinh. Hệ thống nước thải sau biogas sẽ được chảy qua hệ thống lọc này và thải ra môi trường hoặc sử dụng tưới cho cây trồng. Đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc hỗ trợ theo chuỗi khép kín đã tạo hiệu quả cao trong xử lý môi trường.

Mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi của gia đình ông Hữu là mô hình được xử lý theo chuỗi khép kín từ máy tách phân cho đến hệ thống biogas, sử dụng chất đốt từ biogas, cho đến xử lý nước thải bằng công nghệ weslen đã góp phần khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đây cũng là mô hình được nhiều hộ chăn nuôi mong muốn.
 

20200625140700 a huu 1
Mô hình máy tách phân cho hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý dự án LCASP Bắc Giang trong 3 năm trở lại đây, đơn vị đã mở rộng hình thức hỗ trợ với nhiều hợp phần, trong đó hỗ trợ hàng chục máy tách phân và máy tách phân di động. 

Để ứng dụng công nghệ này, các trang trại được lựa chọn phải xây dựng hệ thống thu gom chất thải, bể chứa chất thải, hầm biogas tạo thành một hệ thống đồng bộ với máy. Máy có kết cấu gọn nhỏ, vận hành đơn giản, có tính tự động hóa cao. Sau khi khởi động máy theo quy trình, người công nhân không phải thao tác bất kỳ vấn đề nào khác mà chỉ cần thu gom phân khô đã được ép đóng bao hoặc đưa về kho để ủ. Mô hình trên nên vận dụng cho các trang trại chăn nuôi lớn nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bền vững nhất là trong giai đoạn hiện nay xu hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng phát triển.

Có thể nói chủ trương hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi khép kín để xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi đã góp phần khắc phục triệt để chất thải dư thừa trong chăn nuôi, bảo đảm hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ có lợi cho cây trồng, góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững.

http://m.baobacgiang.com.vn/

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây