Gia đình ông Nguyễn Tiến Cường là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn ở tổ 1, thị trấn Sa Pa. Trước đây, toàn bộ chất thải được gia đình cho xuống bể chứa trước khi được đem ra làm phân bón cho cây trồng. Mặc dù được che chắn cẩn thận nhưng hố phân này không tránh được mùi hôi thối, ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh và khiến ông nhiều lần bị nhắc nhở. Qua nhiều kênh thông tin, ông biết dự án hỗ trợ xây dựng hầm biogas để ông đã biết đến một loại khí đốt bằng việc tận dụng phân thải từ việc chăn nuôi. Cách đây 2 năm ông đã quyết định là người “tiên phong” trong tổ đầu tư 10,5 triệu đồng (giá trị hầm 13,5 triệu, trong đó dự án Hỗ trợ Nông nghiệp cac bon thấp hỗ trợ 3 triệu) xây dựng hầm khí sinh học biogas bằng vật liệu composite, sau khi được tư vấn của cán bộ phòng kinh tế huyện Sa Pa. Từ ngày sử dụng hệ thống biogas này, vấn đề ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để, gia đình ông tiết kiệm được chi phí nhiên liệu cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, theo ông đó chưa phải là lợi ích lớn nhất mà hầm khí sinh học này đem lại. Nguồn chất thải từ bình biogas được ông tận dụng làm phân bón cho 2 sào atiso của gia đình. Từ ngày sử dụng phân bón này, năng suất và sản lượng của atiso cao hơn hẳn so với các loại phân bón hữu cơ trước đây. Đồng thời giúp ông tiết kiệm được chi phí đáng kể cho việc đầu tư phân bón, thuốc BVTV như nhiều gia đình khác.
Trong những năm gần đây, cây dược liệu atiso đã trở thành cây trồng chính đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân khu vực thị trấn Sa Pa và lân cận thông qua mô hình liên kết giữa người dân và công ty cổ phần traphaco. Theo đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân thông qua một hợp đồng được ký kết. Về phía người dân, phải tuân thủ quy trình trồng Atiso bắt buộc đảm bảo kỹ thuật, trong đó có cam kết là không được sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng. Trong khi đó, chi phí để mua phân đạm vô cơ ngoài thị trường là không hề rẻ. Bởi vậy, việc sử dụng phân ủ từ hầm khí sinh học biogas được xem như giải pháp hữu ích giúp người dân tìm được lời giải trong bài toán phân bón. Anh Mai Hiểu Hưng- tổ 1, thị trấn Sa Pa đánh giá: Cuối năm 2014, dự án hầm khí sinh học biogas bắt đầu được triển khai tại huyện Sa Pa với sự hoài nghi của nhiều người. Bởi theo những người dân nơi đây, việc xây dựng hầm chứa biogas sẽ không khả khi vì khó phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh quanh năm như ở Sa Pa. Tuy nhiên, được sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ phòng kinh tế và sự hỗ trợ 3 triệu đồng theo dự án khí các bon thấp, nhiều gia đình cũng đã thử đầu tư. Và cho đến nay, hiệu quả từ hầm khí sinh học biogas đem lại hơn cả những gì người dân nơi đây kỳ vọng. Theo ông Nguyễn Tiến Thành- Trưởng phòng kinh tế huyện Sa Pa thì tính đến nay trên địa bàn huyện đã có 35 hộ gia đình sử dụng hầm khí sinh học biogas. Hiện nay, nhiều hộ cũng đã đăng ký lắp đặt và mục tiêu của huyện là sẽ có thêm trên 100 chiếc bể biogas trong năm 2016.
Như vậy có thể thấy, không chỉ có các huyện vùng thấp mà ngay tại địa phương khắc nghiệt như Sa Pa, mô hình hầm khí sinh học biogas vẫn phát huy được những hiệu quả rõ rệt. Việc sử dụng hầm Biogas ngày càng nhân rộng, góp phần giải quyết bài toàn vê vệ sinh môi trường, giảm thiểu khí đốt, nâng cao năng suất cây trồng góp phần duy trì và thúc đẩy ngành chăn nuôi Lào Cai ngày càng phát triển hơn.
Một số hình ảnh về các hoạt động của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai:
Tổ chức Hội thảo truyền thông cấp xã về quản lý chất thải chăn nuôi
Đoàn kiểm tra của tỉnh làm việc tại một công trình khí sinh học
Hạng mục môi trường thuộc công trình khí sinh học được xây dựng theo đúng quy định mới được nghiệm thu