Qua nghiên cứu của dự án LCASP, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi nghiêm trọng ở nông thôn hiện nay là do các trang trại chăn nuôi lợn sử dụng quá nhiều nước để vệ sinh chuồng trại và làm mát cho lợn, dẫn đến phân lợn lỏng không thể thu gom, chỉ còn cách xả thải trực tiếp ra nguồn nước hoặc gián tiếp thông qua các hầm bi-ô-ga gây quá tải cho hầm bi-ô-ga. Trước thực trạng trên, dự án LCASP đã và đang triển khai một số mô hình xử lý chất thải ở các địa phương trong tỉnh. Đối với trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 100-1.000 con, dự án LCASP hỗ trợ một số trang trại xây dựng hệ thống bể lắng xử lý chất thải chăn nuôi. Hệ thống bể lắng gồm 4 ngăn, đặt trước bể bi-ô-ga, mỗi ngăn bố trí ống hút dích dắc ở tầng giữa. Nước thải từ bể tắm trong chuồng chảy vào các bể lắng qua ống hút, phần chất thải được tách giữ lại qua các bể nên khi đến bể bi-ô-ga nước rất trong. Do hàm lượng phân trong nước thải còn ít đã giảm tải đáng kể cho bể bi-ô-ga, nước ra ngoài cũng không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn lắng xuống bể được hút lên làm phân bón cho cây trồng. Anh Vũ Văn Liên, chủ trang trại chăn nuôi 500 con lợn ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu) tham gia mô hình cho biết: Nếu không áp dụng mô hình này, một hộ chăn nuôi 500 con lợn sẽ cần xây bể bi-ô-ga thể tích từ 300-500m3 để xử lý chất thải. Nhưng khi áp dụng với bể lắng 4 ngăn thì thể tích có thể giảm xuống 10 lần, còn 30-50m3 góp phần giảm được diện tích xây bể bi-ô-ga và chi phí đầu tư, lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện mô hình bể lắng xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn của dự án LSCAP của tỉnh được Ban quản lý dự án Trung ương chấp nhận và đánh giá rất cao. Trang trại của ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái (Trực Ninh) đi vào hoạt động từ năm 2005 có diện tích 0,6ha; trong đó có 2 dãy chuồng lợn rộng khoảng 600m2, 1 ao cá rộng 3.000m2, diện tích còn lại là đường đi và trồng cây hằng năm như: bưởi Diễn, cam, đinh lăng, cau… Mặc dù giá lợn lúc lên lúc xuống, nhất là từ cuối năm 2016 đến nay nhưng trang trại luôn duy trì ở quy mô nuôi 400-500 con lợn thịt. Cũng như các trang trại khác, trang trại của ông Thục gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải chăn nuôi. Sau khi được hỗ trợ bể 11 ngăn để lọc nước thải sau bi-ô-ga của Viện Thủy lợi, nước thải được cải thiện rõ rệt. Nhưng chất cặn sau hầm bi-ô-ga vẫn chưa thể khắc phục. Hơn 10 năm qua chủ trại mỗi tuần phải vài lần múc chất cặn đổ vào vùng đất trũng của trang trại, đến nay không còn diện tích để đổ. Nhằm giải quyết vấn đề này, dự án LCASP tỉnh hỗ trợ trang trại ông Thục xây dựng nhà ủ phân. Nhà ủ phân có tác dụng chuyển chất cặn sau hầm bi-ô-ga trở thành phân bón góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhà ủ phân gồm 2 ngăn, 1 ngăn để tách bớt nước và 1 ngăn để ủ bã thành phân hữu cơ. Anh Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên dự án LCASP tỉnh cho biết: Việc xây nhà ủ phân để tách một phần chất cặn (phân) có độ ẩm 95-100% bước đầu đã đạt được mong đợi của người chăn nuôi. Trên cở sở tách được nước ra khỏi chất thải đặc trong bể lắng sau hầm bi-ô-ga sẽ tạo thuận lợi cho quá trình ủ sản xuất phân hữu cơ, giúp người chăn nuôi tăng thêm thu nhập từ bán sản phẩm này cho người trồng trọt. Nhà ủ phân xây dựng đơn giản và chi phí thấp, vì thế dễ nhân rộng trong thực tiễn.
Đối với quy mô trang trại từ 1.000 con trở lên, trong năm 2018, dự án LCASP đã chọn 7 trang trại chăn nuôi lợn đủ điều kiện tham gia xây dựng mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn làm phân bón hữu cơ. Đến tháng 6-2018, dự án đã hoàn thành lắp đặt thiết bị cho 7 trang trại. Hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi tại trang trại bao gồm các thiết bị: máy ép tách phân, bộ máy bơm hút, bộ máy khuấy, phun rửa, bộ đổi nguồn từ dòng điện 1 pha lên 3 pha... Ông Nguyễn Văn Trinh ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) là một trong 7 chủ trang trại tham gia mô hình, cho biết: Hiện ông đang sử dụng công trình bi-ô-ga kiểu cũ, loại bể HDPE (bể phủ bạt nhựa chuyên dụng HDPF) có thể tích 1.300m3. Hằng ngày, chất thải được xả từ bể tắm ra hồ HDPE 2 lần sáng và chiều tối. Nước thải sau khi được xử lý trong hồ HPDE tiếp tục được xả vào ao rồi mới ra môi trường. Trang trại chỉ sử dụng một phần nhỏ khí sinh học cho đun nấu, còn thừa phần lớn phải xả vào không khí được xem là nguyên nhân làm tăng phát thải nhà kính. Sau khi được tham gia dự án, lắp đặt hệ thống máy tách phân, khi phân lợn đầy hầm lắng máy sẽ vận hành trộn đều phân và hút lên máy ép thành phân khô, phần chất thải lỏng sẽ cho trở lại hầm bi-ô-ga để sản xuất khí ga, khả năng giải quyết rất tốt vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn; đồng thời còn có lượng phân hữu cơ cung cấp cho bà con nông dân bón cây trồng. Ông Trinh cho biết thêm: “Với quy mô 2.500 con của trang trại, khoảng 2 ngày tôi vận hành máy ép phân 1 lần thu được 1 tấn phân khô bán với giá 1 triệu đồng, trong khi chi phí điện vận hành chỉ tốn khoảng 100 nghìn đồng/lần”. Có thể nói, hệ thống máy ép tách phân là phương thức tối ưu trong xử lý chất thải đối với các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở tỉnh ta.
Hiện nay đàn lợn của tỉnh có gần 800 nghìn con (không kể lợn sữa), trong đó có khoảng 130 nghìn con lợn nái. Với đàn lợn này hằng ngày cho khối lượng chất thải rất lớn, gần 2.000 tấn. Việc xử lý chất thải để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi lợn luôn là vấn đề hóc búa đối với các hộ chăn nuôi. Từ trước tới nay, công nghệ làm hầm bi-ô-ga được xem là giải pháp tốt nhất và được hầu hết các hộ chăn nuôi áp dụng. Tuy nhiên, với các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn việc xử lý khối lượng chất thải bằng hầm bi-ô-ga gặp nhiều khó khăn bởi chiếm diện tích rất lớn mà hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi không cao. Nước thải sau hồ bi-ô-ga vẫn còn đậm đặc, không thể tưới cây được, nếu thải ra môi trường gây ô nhiễm. Lượng khí ga sinh ra thừa nhiều so với nhu cầu sử dụng của trang trại nhưng không thể chia sẻ với các hộ dân có nhu cầu vì các trang trại thường ở xa khu dân cư. Do đó, các trang trại thường xuyên phải đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường gây nguy hiểm với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn nhiều lần. Tùy theo quy mô chăn nuôi, việc nhân rộng áp dụng các mô hình nêu trên sẽ là giải pháp toàn diện xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường sinh thái. Đồng thời góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM./.