Cú hích cho Mỹ Tú

: Thứ năm - 03/12/2015 22:20  |  Đã xem: 1557
Những năm qua, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có nhiều nông hộ phát triển nghề chăn nuôi bò sữa

Nông hộ nuôi bò ở Sóc Trăng khẳng định xây hầm biogas có lợi

Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) Sóc Trăng đã hỗ trợ đầu tư lắp đặt hầm biogas đem lại hiệu quả thiết thực. Về xã Thuận Hưng, một trong những xã có nhiều hộ sử dụng hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ của LCASP, đa số bà con thừa nhận biogas không chỉ cải thiện, nâng cao đời sống nông hộ mà còn góp phần cải tạo, giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng xã NTM. Chương trình cho vay làm hầm biogas được huyện Mỹ Tú triển khai thực hiện với mục đích giúp các hộ xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm chi phí SX. Từ mô hình ban đầu đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động chăn nuôi của người dân.

Ông Trần Liêu ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng nuôi 1 con bò sữa và 8 con heo. Hàng ngày lượng chất thải từ chăn nuôi khá lớn, do đó việc giải quyết chất thải và mùi hôi thối luôn là vấn đề nan giải đối với gia đình ông. Ông Liêu giãi bày: “Đang trong lúc khó khăn, gia đình tôi gặp may, đăng ký được ngân hàng cho vay 12 triệu đồng để xây hầm biogas. Tôi mừng quá…”.

Nhà cùng ấp với ông Liêu, bà Trương Thị Mỹ Khênh nói: “Trước đây, chỉ có những hộ chăn nuôi với quy mô lớn thì mới nghĩ tới chuyện làm hầm biogas, nhưng hiện đa số các hộ đều biết rằng hộ nào dù lớn hay nhỏ đều phải làm hầm biogas. Lợi ích thấy rõ là tiết kiệm chi phí và đảm bảo môi trường. Nhà tôi đang nuôi 4 con bò sữa, khi được ngân hàng giải ngân tôi sẽ bắt tay xây hầm ủ biogas”.

Anh Quách Đỡ ở ấp Bố Liên 3, xã Thuận Hưng kể: "Nguồn thu nhập chính của gia đình anh chủ yếu từ 6 con bò sữa. Thú thật trước đây nhà tôi băn khoăn chưa biết xử lý thế nào khi chất thải chăn nuôi phải đổ ra con kênh nhỏ phía sau nhà, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi vay được 12 triệu đồng của ngân hàng và 3 triệu đồng vốn hỗ trợ từ LCASP anh đã xây hầm biogas. Nhờ có hầm biogas, môi trường được cải thiện. Sau hơn 3 tháng sử dụng tôi thấy có nhiều cái lợi, vừa giúp giảm mùi hôi thối, vừa có gas để sử dụng cho việc đun nấu. Lượng phân thải ra càng nhiều thì càng xài gas thoải mái”.

  Theo lãnh đạo UBND xã Thuận Hưng, nhờ có dự án LCASP đến nay đàn bò của xã đã phát triển hơn 1.400 con, trong đó 1.200 con bò sữa. Bình quân mỗi con bò sữa cho thu nhập 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, phần lớn các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ nên việc quản lý, xử lý chất thải còn nhiều khó khăn. Vì vậy, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

QUANG BÌNH - HP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây