Từ hiệu quả ban đầu, dự án tiếp tục mở rộng phạm vi lên 6.000 công trình cỡ nhỏ đến năm 2019.
Anh Nguyễn Chánh Bình, cán bộ kỹ thuật quản lý dự án nhận xét, dự án đã tuyên truyền phổ biến rộng rãi để các hộ chăn nuôi nhỏ ở vùng nông thôn thông hiểu mục tiêu hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học (biogas). Đó là xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến, xây dựng, nhân rộng các mô hình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu. Sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm trong nông nghiệp tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Sau khi các hộ dân trình bày nhu cầu và điều kiện, quy mô chăn nuôi, cán bộ xã và cán bộ khuyến nông xã, kỹ thuật viên cấp huyện đến khảo sát, thiết kế đưa ra các mô hình phù hợp, có tính chi phí vật tư, tiền công xây dựng. Hộ chăn nuôi sẽ lựa chọn mô hình đầu tư.
Đối với công trình KSH quy mô cỡ nhỏ mỗi hộ chăn nuôi đăng ký tham gia được hỗ trợ không hoàn lại 3 triệu đồng; công trình KSH quy mô vừa, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/công trình.
Tại Bến Tre có 2 mô hình đầu tư khá phổ biến được nông dân lựa chọn là công trình hầm xây biogas KT2 với thể tích từ 6,6 - 48,2m3, giá trị xây dựng khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/m3 (hầm có thể tích 1m3 có thể xử lý chất thải 3 con heo). Trong khi đó công trình hầm biogas thiết kế vật liệu composite lớn nhất có thể tích 9m3 đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải 20 con heo, giá trị xây dựng khoảng 15 - 16 triệu đồng, trong đó chi phí vật tư hầm composite khoảng 13,5 triệu đồng.
Tỉnh Bến Tre hiện có 261 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó 248 trại trang trại chăn nuôi heo tập trung tại các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm... Các trang trại hoạt động tuân thủ đúng đề án cam kết môi trường theo dự án được duyệt.
Chất thải chăn nuôi được xử lý bằng các hình thức sau: Đối với trại heo nái, các hộ thu gom đưa vào kho và cung cấp cho các điểm thu mua ủ phân hữu cơ hoặc nhà vườn trồng cây ăn trái trong ngoài tỉnh.
Đối với trại nuôi heo thịt, được đưa vào các công trình xử lý nước thải kiểu KT2. Hệ thống cống bê tông… được xử lý và nước thải được đưa vào bể lắng kế tiếp, sau đó vào ao sinh học trước khi tưới cho vườn dừa, cây ăn trái...
Đối với chăn nuôi bò, hầu hết các hộ chăn nuôi, chủ trang trại xử lý chất thải bằng cách thu gom để khô, cung cấp cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh.
Phần nước thải và một phần phân chuồng đưa vào bể biogas xử lý, nước thải được tưới cho cỏ trồng.
Theo ý kiến của các hộ chăn nuôi, chủ trang trại và cán bộ địa phương: Các công trình KSH đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trước đây khi chưa có hầm biogas, chăn nuôi thải trực tiếp ra ao, mương trong vườn gây hôi thối, thải ra kênh rạch gây ô nhiễm môi trường.
Có công trình KSH, chất thải được xử lý qua hầm biogas sang ao sinh học, ao lắng sau đó bơm tưới cho cây trồng. Với quy mô chăn nuôi 10 con heo, KSH cung cấp dư thừa chất đốt đun nấu trong gia đình. Riêng chất thải sau khi xử lý ra ao lắng, bùn thải có thể tưới 1 - 2 lần/tuần cho 1 công vườn cây ăn trái mà không cần phải bón phân urê, chỉ bón bổ sung kali.
Từ các làm hiệu quả đó, đến nay các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc đã nhân rộng được từ 800 - 1.200 công trình KSH. Thời gian gần đây nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri đăng ký tham gia và được dự án hỗ trợ xây dựng hơn 830 công trình.
http://nongnghiep.vn