Bến Tre - Tận dụng chất thải chăn nuôi để tích tụ năng lượng sạch cho tương lai

: Thứ ba - 07/11/2017 09:48  |  Đã xem: 1677
Ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và đóng vai trò ngày thêm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta.

Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh có hơn 7 triệu con các loại, trong đó hơn 200 ngàn con bò, hơn 600 ngàn con heo và hơn 6 triệu con gia cầm… Kèm theo đó, chất thải (phân, các loại thức ăn thừa, chất độn nền…) thải ra môi trường lên đến hàng chục triệu tấn/năm. Chất thải chăn nuôi chứa nhiều chất như: phốt pho, khí độc nitơ, mê-tan; các kim loại nặng như kẽm, niken, cùng các vi sinh vật gây hại làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí ngày càng nghiêm trọng.

Hậu quả dễ thấy nhất từ sự ô nhiễm môi trường chăn nuôi là môi trường sống của người chăn nuôi bị ngột ngạt, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp… Trong khi đó, vật nuôi dễ tổn thương do thời tiết biến đổi, khả năng phòng, chống trước dịch bệnh và đặc biệt giá trị thương phẩm của vật nuôi rất bấp bênh.

Theo bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp tại Bến Tre (LCASP), để giảm thiểu những rủi ro cho kinh tế, người chăn nuôi phải hướng đến phát triển chăn nuôi tập trung và tùy theo điều kiện chăn nuôi của từng khu vực, từng quy mô trang trại, hộ gia đình mà có thể sử dụng các loại hầm khí biogas có diện tích phù hợp để kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường. “Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí thải mê-tan (khí gây hiệu ứng nhà kính) và sản xuất ra khí sinh học - một nguồn năng lượng sạch rất an toàn cho con người”, bà Sương dẫn chứng bằng một kết quả của công trình nghiên cứu khoa học do tổ chức môi trường Liên hợp quốc thực hiện.

Trong quá trình sản xuất nguồn năng lượng sạch và tái tạo chất thải rắn có ích cho cây trồng, vật nuôi, hầm biogas sử dụng cả nguồn nguyên liệu từ chất thải động vật, thực vật. Cụ thể, nguyên liệu của hầm biogas chính là chất thải từ động vật, các bộ phận cơ thể động vật như xác súc vật chết, rác và nước thải từ các lò giết mổ, cơ sở chế biến thủy sản, lá cây và các phụ phẩm sinh học nông nghiệp…

Ông Nguyễn Chánh Bình - cán bộ kỹ thuật Dự án LCASP cho biết thêm, 2 loại công nghệ trong dự án là công trình khí sinh học nắp cố định (kiểu KT1, KT2) và composite đều vận hành theo nguyên lý bình thông nhau, gồm 2 giai đoạn tích và xả khí.

Khí sinh học sản xuất được từ hầm biogas, ngoài việc sử dụng làm chất đốt còn là nguyên liệu có thể sử dụng thay thế xăng dầu trong các động cơ đốt trong để phát điện, kéo các máy cơ giới và cũng có thể sử dụng để sưởi ấm gà con, ngâm hạt giống, ấp trứng, chạy tủ lạnh… Đặc biệt, đến giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ hỗ trợ, hướng dẫn chủ công trình bán chỉ số các-bon.

Riêng các phụ phẩm trong hầm biogas có thể sử dụng rất tốt trong các quá trình cải tạo đất nông nghiệp, làm phân bón giúp tăng năng suất cho cây trồng, hạn chế sâu bệnh. Ngoài ra, chúng còn làm thức ăn bổ sung cho cá, là môi trường nuôi giun đất, trồng cây không dùng đất, trồng nấm… Trong các nghiên cứu đều cho thấy phụ phẩm này luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn cho người sử dụng.

Theo ông Bình, hiện các đối tượng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều sẽ được LCASP hỗ trợ, mỗi công trình khí sinh học quy mô nhỏ thể tích dưới 50m3 được hỗ trợ 3 triệu đồng; hỗ trợ 10 triệu đồng cho công trình khí sinh học quy mô vừa (thể tích từ 50 - 1.000m3); 20 triệu đồng cho công trình khí sinh học quy mô lớn hơn. Ngoài ra, tại mỗi địa phương, LCASP đều có đội ngũ lành nghề về xây dựng, duy tu, tư vấn các vấn đề liên quan đến cơ chế vận hành, sử dụng phụ phẩm sinh học cho người dân. Đến nay, dự án đã hỗ trợ được cho hơn 3.700 công trình trên địa bàn tỉnh.

Để tạo điều kiện cho các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiện LCASP tăng tiền hỗ trợ lên 5 triệu đồng đối với các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số, các hộ có phụ nữ là trụ cột gia đình (phụ nữ đơn thân hoặc chồng mất khả năng lao động).

Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện dự án, bà Phan Thị Thu Sương đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống kê đầy đủ những hộ dân có nhu cầu và khẩn trương gửi thông báo để Ban quản lý dự án sớm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn (nếu có).
 

baodongkhoi.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây