vườn cây ăn trái phát triển rất tốt, năng suất, chất lượng trái đạt cao.
Xây dựng gần 500 hầm biogas
Bà Phan Thị Thu Sương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án LCASP Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 40 ngàn hộ chăn nuôi gia súc, với tổng đàn khoảng 7 triệu con, quy mô nuôi từ 10 con/hộ trở lên. Hàng năm, vật nuôi đã thải ra môi trường hàng trăm ngàn tấn chất thải. Trước khó khăn đó, Bến Tre được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chọn là 1 trong 10 tỉnh tham gia triển khai Dự án LCASP, nhằm thực hiện các hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần phát triển chăn nuôi nông hộ và trang trại bền vững. Đồng thời, dự án tạo ra nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho người chăn nuôi xây dựng gần 5.000 công trình khí sinh học (hầm biogas) quy mô nhỏ (dưới 50m3). Người chăn nuôi tham gia dự án xây dựng hầm biogas được nhận hỗ trợ 3 triệu đồng không hoàn lại.
Xử lý triệt để chất thải
Ông Nguyễn Văn Bé Chính ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam đã gắn bó với nghề nuôi heo gần 20 năm cho biết, do chăn nuôi ngày càng mở rộng, tổng đàn heo của gia đình luôn duy trì từ 600 - 1.000 con. Trước đây khi chưa xây dựng hầm biogas xử lý chất thải, môi trường sống của gia đình ông và nhiều hộ dân lân cận bị ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí, một số người đã có ý định kiện ông vì chất thải chăn nuôi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Từ hơn 5 năm qua, khi ông bắt đầu xây dựng các hộc xử lý chất thải thì vấn đề ô nhiễm đã được hạn chế một phần. Tuy nhiên, quy trình xử lý chất thải này vốn thủ công nên sau quá trình sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập. Khi Dự án LCASP Bến Tre triển khai, ông lập tức đăng ký tham gia. Ngoài được hỗ trợ 3 triệu đồng, ông còn được tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng hầm biogas rất bài bản, khoa học. “Các chất thải từ nuôi heo đều được đưa xuống hầm biogas nên khắc phục cơ bản về mùi hôi thối. Khí gas dư đốt nên hễ bà con nào có nhu cầu là tôi sẵn sàng hướng dẫn đầu tư đường ống dẫn khí gas về sử dụng miễn phí”, ông Chính cho biết.
Nước thải đã qua xử lý hầm biogas, ông Chính bơm tưới cho vườn dừa. 5 công đất trồng dừa của ông luôn xanh tươi, sai trái. Số nước thải còn lại nếu ai có nhu cầu đều được ông cho dẫn về tưới cây trồng. Từ ngày có nguồn chất thải hữu cơ độc đáo này, các vườn dừa nhà ông Chính và hộ dân lân cận sử dụng để tưới, không cần sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhưng vẫn cho trái sai trĩu buồng.
Hiện Dự án LCASP Bến Tre đang phối hợp với hộ ông Nguyễn Văn Bé Chính xây dựng mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ quy mô trang trại.
Dự án LCASP đang mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ cho người trực tiếp chăn nuôi mà trong cộng đồng rất lớn. Bà con đề xuất Dự án LCASP tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và vốn để giúp người chăn nuôi các địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới.