UBND TỈNH LÀO CAI
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
Số: 59 /BC - SNN
Lào Cai, ngày 26 tháng 02 năm 2016
BÁO CÁO
Tình hình phát triển chăn nuôi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010 - 2015,
định hướng phát triển đến năm 2020
Thực hiện văn bản số 156/CN-GSL, ngày 17/02/2016 của Cục Chăn nuôi về việc xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi vùng Tây Bắc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai báo cáo tình hình phát triển chăn nuôi giai đoạn 2010 - 2015, tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và Quy hoạch, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:
I. Tình hình phát triển chăn nuôi trong giai đoạn 2010-2015
1. Tổng đàn và sản lượng chăn nuôi (Tại thời điểm 01/10/2015)
- Tổng đàn đại gia súc một vài năm trở lại đây đang giảm dần do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của các đợt rét đậm rét hại, bãi chăn thả bị thu hẹp, một số hộ chăn nuôi ở vùng thấp không có nhu cầu về sức kéo; do đó đàn đại gia súc chỉ nuôi để duy trì phát triển tổng đàn.
+ Đàn trâu 124.982 con, đạt 92 % so với năm 2010 (134.922 con). Số con xuất chuồng 7.780 con, đạt 89% với năm 2010 (8.738 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.902 tấn, đạt 114,8 % so với năm 2010 (1.657 tấn). Tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2010-2015 là (-1,52%), giá trị sản xuất chăn nuôi trâu chiếm 5,9% cơ cấu nội ngành chăn nuôi
+ Đàn bò 16.410 con, đạt 70% so với năm 2010 tăng (23.434 con). Số con xuất chuồng 2.725 con, đạt 88,6% so với năm 2010 (3.075 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 455 tấn, đạt 107% so với năm 2010 (425 tấn). Tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2010-2015 là (-6,88%), giá trị sản xuất chăn nuôi bò chiếm 1,2% cơ cấu nội ngành chăn nuôi.
Sản lượng thịt hơi trâu, bò tăng trong khi số con xuất chuồng giảm, là do năm 2015 Sở nông nghiệp và PTNT Lào Cai đã phối hợp với Cục thống kê Lào Cai xác định lại chỉ tiêu trọng lượng xuất chuồng của trâu, bò thịt.
Các huyện trọng điểm chăn nuôi đại gia súc như Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn.
- Tổng đàn gia súc, gia cầm những năm qua đã được chú trọng, các hộ chăn nuôi chủ yếu theo hướng công nghiệp đã góp phần phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại và quy mô; nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trọng điểm là các huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương.
+ Đàn lợn 506.056 con, đạt 110,2% so với năm 2010 (459.303 con). Số con xuất chuồng 716.567 con, đạt 158,2% so với năm 2010 (453.012 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 45.080 tấn, đạt 150% so với năm 2010 (26.728). Tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2010-2015 là 1,96%, giá trị sản xuất chăn nuôi lợn chiếm 66,8% cơ cấu nội ngành chăn nuôi.
+ Đàn gia cầm 3.476 ngàn con, tăng 120,7% so với năm 2010 (2.881 ngàn con). Số con xuất chuồng 4.360 ngàn con, đạt 294,2% so với cùng kỳ năm 2010 (1.482 ngàn con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 7.428 tấn, đạt 372% so với năm 2010 (1.997 tấn) so với cùng kỳ 2010. Tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2010-2015 là 3,86%, giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm chiếm 23,2% cơ cấu nội ngành chăn nuôi.
(có phụ biểu kèm theo)
2. Cơ cấu giống đối với từng loại vật nuôi
- Giống trâu, hoàn toàn là trâu nội. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai có một số vùng giống trâu tốt ở huyện Bảo Yên, Bắc Hà, thuộc loại hình trâu ngố, có tầm vóc to lớn, có những con đực có trọng lượng trên 600 kg, con cái 550 kg (số liệu hội thi trâu Bảo Yên năm 2007). Hiện nay huyện Bảo Yên đang triển khai dự án Phát triển đàn và xây dựng thương hiệu trâu Bảo Yên. Đồng thời Viện chăn nuôi cũng đang xây dựng dự án bảo tồn và phát triển trâu Bảo Yên. Những chương trình dự án này thực hiện sẽ góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu của huyện, tạo vùng giống trâu tốt của tỉnh.
- Giống bò, chủ yếu là bò vàng địa phương có tầm vóc nhỏ, trọng lượng trung bình con cái trưởng thành đạt 160-180 kg, con đực đạt 250 kg. Ở các huyện Mường Khương, Si Ma Cai có giống bò vùng cao tầm vóc khá to, trọng lượng con cái có thể đạt 200-250 kg, con đực có thể đạt 300- 350 kg. Hiện tại đàn bò lai Zêbu của tỉnh hiện chỉ có 178 con.
Dự án thụ tinh nhân tạo bò đã cho sinh sản được 380 con bò con, đạt 25,3% mục tiêu (1.500 con). Nguyên nhân không đạt mục tiêu do dự án thụ tinh nhân tạo bò đã kết thúc từ năm 2012, hiện trên địa bàn tỉnh tạm dừng không thực hiện thụ tinh nhân tạo cho bò.
- Giống lợn: Tổng đàn lợn nái của tỉnh có 69.627 con, trong đó: nái địa phương chiếm khoảng 60% (tương đương 41.800 con); nái Móng cái chiếm khoảng 4% (tương đương 2.800 con); nái lai và nái ngoại chiếm khoảng 36% (tương đương 25.000 con). Đàn lợn nái ngoại và nái lai tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Thắng và các xã vùng thấp của các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát.
Tổng đàn lợn đực giống có 3.487 con, trong đó đàn lợn đực lai và đực ngoại làm dịch vụ phối giống trực tiếp và khai thác tinh nhân tạo là 218 con, chiếm 6,3%. Các giống lợn đực ngoại chủ yếu là Yorkshire, Landrace, Piétrain, Duroc. Chất lượng đàn lợn đực giống chưa tốt, chủ yếu là lợn địa phương, giao phối cận huyết hoặc lợn đực lai người dân tự chọn giống nên chất lượng con giống sản xuất ra có tỷ lệ máu ngoại thấp, năng xuất kém.
Trong đàn lợn thịt 65% là giống lợn lai và lợn ngoại và 35% là giống địa phương.
Ở vùng thấp việc chuyển đổi cơ cấu giống lợn những năm gần đây khá tốt, đặc biệt là huyện Bảo Thắng, chủ yếu sản xuất, chăn nuôi các giống lợn lai F1 và F2 (3/4 máu ngoại), chiếm 75% cơ cấu giống lợn.
Ở vùng cao, phần lớn (trên 80%) chăn nuôi giống lợn địa phương (giống lợn Mường Khương, lợn đen địa phương). Các giống lợn này có ưu điểm là chất lượng thịt thơm, ngon, hợp thị hiếu người tiêu dùng, sức chống chịu tốt; nhưng nhược điểm chậm lớn, sinh sản kém.
- Giống gia cầm: Giống gà: giống gà địa phương (gà ri, gà vùng cao) chiếm khoảng 60% tổng đàn, ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai có giống gà đen (gà thuốc) quý hiếm, giá trị kinh tế cao; các giống gà lông màu nuôi thả vườn (lai mía, lai chọi, gà Hồ … ) chiếm khoảng 25% tổng đàn; các giống gà công nghiệp chiếm khoảng 15%. Giống thủy cầm có một số giống vịt phương có chất lượng thịt thơm ngon (Vịt Sín Chéng, vịt Nghĩa Đô…), giống vịt Đại Xuyên, ngan Pháp.
3. Tình hình sản xuất giống vật nuôi
Cả tỉnh hiện chưa có trại giống gia súc, gia cầm ông bà để sản xuất giống bố mẹ. Sản xuất con giống của các hộ chăn nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, chưa quan tâm nhiều đến công tác chọn lọc, bình tuyển giống nên tình trạng giao phối cận huyết đã và đang làm suy giảm chất lượng con giống, dẫn đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi chưa cao (đặc biệt đối với đàn trâu, bò, ngựa và lợn đen vùng cao).
- Sản xuất giống lợn: hầu hết các hộ, cơ sở chăn nuôi chủ động sản xuất con giống, quy mô hộ từ 1-10 con nái; một số trang trại, gia trại đã nhập giống lợn ngoại chăn nuôi quy mô từ 10 - 50 nái. Với tổng đàn lợn nái của tỉnh 69.627 con, sản xuất đáp ứng được trên 95% nhu cầu con giống tại chỗ. Các hộ chăn nuôi phần lớn tự chủ động sản xuất con giống, chỉ có một số ít trang trại chăn nuôi nhập giống lợn ngoại. Sản xuất giống lợn tại chỗ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi nên hàng năm số lượng lợn giống nhập vào tỉnh không nhiều, bình quân 2.000 - 3.000 con/năm (Số liệu kiểm dịch của Chi cục Thú y). Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng lợn nái ngoại thay thế đàn nái lai và nái địa phương rất lớn. Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai đã phối hợp với Tập đoàn Da Ba Co xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.
- Sản xuất giống gia cầm: Các giống gà, ngan, vịt địa phương chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ người dân tự nhân giống theo hình thức cho ấp nở tự nhiên, tự cung, tự cấp. Hiện tại tỉnh có 01 cơ sở sản xuất giống gia cầm ở huyện Bảo Thắng năm 2015 sản xuất được khoảng 700 ngàn con giống gia cầm thương phẩm (chủ yếu là gà lông màu và ngan, vịt) đáp ứng được 50% nhu cầu con giống cho cơ sở, hộ chăn nuôi trang trại, gia trại. Khoảng 50% số lượng giống phải nhập từ các tỉnh vùng xuôi lên (các giống gia cầm công nghiệp, gà lai lông màu thả vườn) phần lớn nhập từ các tỉnh vùng xuôi. Hàng năm nhập khoảng 0,5 - 0,7 triệu con giống các loại.
4. Phương thức chăn nuôi
- Vùng thấp đang chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Đối tượng vật nuôi chủ yếu là lợn và gia cầm. Cơ cấu giống lợn chiếm 90% là giống lợn lai và lợn ngoại; trên 80% hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Giống gia cầm chủ yếu là giống bản địa, gà lông màu nuôi thả vườn và một số giống gia cầm công nghiệp. Chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp chiếm khoảng 30% tổng đàn.
Trong hai năm 2014, 2015 tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai hỗ trợ 358 cơ sở chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển chăn nuôi đảm bảo điều kiện cấp chứng nhận kinh tế trang trại (đến thời điểm tháng 2/2016 đã có 298 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận); tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, hiện nay đang có 04 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 200-1.200 nái và 3.000-10.000 lợn thịt, 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 30-35 nghìn con.
- Vùng cao chủ yếu phát triển chăn nuôi trâu, bò và các loại vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao như gà bản địa, lợn đen bản địa, lợn rừng lai...Đàn lợn đen, gia cầm bản địa chiếm trên 80% tổng đàn. Hiện nay ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương đã có nhiều hộ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò thịt, sau 2-3 tháng nuôi thu lãi từ 2-5 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn còn lạc hậu, nhỏ lẻ, truyền thống. Trình độ kỹ thuật chăn nuôi, điều kiện cơ sở vật chất yếu kém (chuồng trại, thiết bị chăn nuôi), đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý ô nhiễm môi trường (hiện nay số hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường bằng bể khí Biogas có khoảng trên 3.000 bể, chiếm 3,5% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh. Sản xuất chăn nuôi hàng hoá theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp đã bước đầu phát triển ở một số địa phương. Cụ thể về phương thức chăn nuôi đối với từng loại vật nuôi:
- Chăn nuôi gia súc lớn:
Quy mô mỗi hộ có từ 1-5 con, chăn nuôi theo phương thức quảng canh, chăn thả hoặc thả rông trong rừng, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Vì vậy gia súc thường bị đói ăn trong mùa Đông, đặc biệt ở các huyện vùng cao sương muối, giá lạnh làm cỏ chết táp. Việc bổ sung thức ăn tinh rất hạn chế, vì vậy không đáp ứng đủ cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc.
Đa số các hộ đã có ý thức dự trữ rơm khô nhưng số lượng ít, nếu gặp thời tiết rét đậm rét hại kéo dài không đủ cung cấp cho đàn gia súc. Số hộ chăn nuôi có chủ động trồng cỏ, chế biến thức ăn chưa nhiều.
Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng đảm bảo điều kiện phòng chống rét chiếm 64,3%, hộ có chuồng nhưng chưa đảm bảo phòng chống rét 25,3%, còn lại 10,9% hộ chưa có chuồng nuôi gia súc. Vì vậy những năm rét đậm rét hại kéo dài nguy cơ gia súc chết rét là rất lớn.
- Chăn nuôi lợn:
Vùng thấp, những năm gần đây chăn nuôi lợn ở có nhiều chuyển biến tích cực. Chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp chiếm đến 80% tổng đàn, quy mô hộ từ 1-10 con chiếm 90%. Thức ăn chủ yếu là sử dụng sản phẩm nông nghiệp sản xuất và tại chỗ (cám, ngô, sắn...), sản phẩm phụ: bã rượu, bã đậu phụ, có bổ sung thức ăn công nghiệp. Các giống lợn thịt hầu hết là lợn F1, lợn F2 và số ít lợn ngoại. Vì vậy năng suất, chất lượng cũng được cải thiện đáng kể.
Chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp cũng đã được hình thành, tuy nhiên với số lượng không lớn. Toàn tỉnh hiện có 170 trang trại chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Thắng.
Ở vùng cao, hầu hết vẫn chăn nuôi các giống lợn địa phương, nhiều hộ nuôi thả rông, thức ăn chủ yếu là ngô, cám, sắn, rau xanh. Lợn chậm lớn, khả năng sinh sản kém, năng suất chăn nuôi thấp. Tuy nhiên chất lượng thịt ngon, dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn các giống lợn lai nên giống lợn địa phương hiện nay phát triển khá tốt.
- Chăn nuôi gia cầm:
Chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ dưới 50 con chiếm gần 90%, phương thức nuôi bán chăn thả và thả rông. Giống gia cầm chăn nuôi theo phương thức này hầu hết là giống gà, ngan, vịt địa phương, chất lượng thịt thơm ngon, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp chiếm 17% tổng đàn, sản lượng thịt chiếm trên 30% tổng sản lượng thịt gia cầm. Hiện nay, toàn tỉnh có 90 trang trại chăn nuôi gia cầm (theo tiêu chí cũ), trong đó tập trung phần lớn ở huyện Bảo Thắng.
5. Số lượng trang trại
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, loại hình chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp ngày càng phát triển, với tổng số 298 trang trại chăn nuôi/tổng số 322 trang trại của toàn tỉnh (trong đó 121 trang trại chăn nuôi gia cầm, 170 trang trại chăn nuôi lợn, 06 trang trại chăn nuôi đại gia súc lớn trâu, bò, 01 trang trại chăn nuôi dê). Chăn nuôi chủ yếu theo hướng công nghiệp đã góp phần phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại và quy mô; nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Diện tích đất trồng cỏ
Tổng diện tích cỏ trồng toàn tỉnh tăng từ 1.031,8 ha (năm 2011) lên 2.100 ha (năm 2015); sản lượng hàng năm ước đạt khoảng 500 ngàn tấn, đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu thức ăn xanh cho tổng đàn gia súc lớn. Giống cỏ chủ yếu là cỏ voi, cỏ VA06 có năng suất cao, dễ trồng, đặc biệt cỏ VA06 có khả năng chống chịu lạnh trong mùa Đông khá tốt, có thể chế biến làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc.
Ngoài diện tích cỏ trồng, một số huyện vùng cao (Bắc Hà, Mường Khương) gieo được khoảng 114 ha ngô dày, năng suất thân lá đạt khoảng 1.500 tấn. Thân lá ngô có giá trị dinh dưỡng cao, khi sử dụng kết hợp với rơm khô tạo nguồn thức ăn cân đối về chất lượng.
7. Đánh giá chung
- Trong 5 năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển khá nhanh và theo hướng bền vững: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 19,45%/năm, vượt mục tiêu 9,19% (kế hoạch 10,26%/năm); Cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp tăng từ 30,4% (năm 2011) lên 40,9% (năm 2015); Tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt hơi đạt 17,02 %/năm, sản phẩm chăn nuôi đã cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và đã có một phần sản phẩm xuất bán ra ngoại tỉnh.
- Chăn nuôi ở vùng thấp đã có sự chuyển biến tích cực về phương thức, kỹ thuật chăn nuôi. Chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp đã bước đầu phát triển. Các giống mới (lợn ngoại, lợn lai, các giống gia cầm cao sản, gà lai lông màu thả vườn...), thức ăn chăn nuôi công nghiệp được đưa vào sản xuất đã tác động làm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.
Lợi nhuận của một trang trại hàng năm đạt 70 - 300 triệu đồng. Kinh tế trang trại đã tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, là hình mẫu tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường ở nông thôn, tạo ra mô hình tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản để nhân dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận tham quan, học tập kinh nghiệm.
Đạt được kết quả như vậy là do tỉnh Lào Cai có một số điều kiện thuận lợi, song bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn.
7.1. Thuận lợi:
- Nghị Quyết đại Hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIX đã xác định “Coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm” vì vậy sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó có ngành chăn nuôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp.
- Tỉnh có một số loại gia súc, gia cầm bản địa có chất lượng tốt đang được thị trường ưu chuộng, có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm chăn nuôi thông thường ở các tỉnh, có thể phát triển mạnh sản xuất hàng hoá (lợn đen, gà bản địa; bò vàng vùng cao, trâu Bảo Yên...);
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều tiềm năng do ngành du lịch, công nghiệp của tỉnh đang phát triển, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các tỉnh lân cận, đặc biệt các sản phẩm bản địa còn có khả năng mở rộng thị trường ở các tỉnh, thành phố lớn.
- Nguồn thức ăn sẵn có khá dồi dào: sản lượng ngô, sắn hàng năm đạt khoảng 130 ngàn tấn, hàng ngàn tấn phụ phẩm nông nghiệp... Đất chưa sử dụng khá lớn có thể khai thác, phát triển trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi.
- Lực lượng lao động nông thôn lớn, kiến thức trình độ kỹ thật chăn nuôi của một bộ phận người dân ở vùng thấp đã đã được nâng lên rõ rệt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các giống mới có giá trị kinh tế vào sản xuất nên đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả sản xuất.
2.2. Khó khăn:
- Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao trên 90%; điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế, đặc biệt kiến thức về phòng chống dịch bệnh; chất thải chăn nuôi không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường... đây chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
- Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất chăn nuôi.
- Chăn nuôi lợn và gia cầm còn nhiều yếu tố rủi ro do dịch bệnh giá cả thức ăn cao, thị trường không ổn định…
- Nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi còn thiếu và yếu: một số phòng Nông nghiệp chưa có cán bộ chuyên ngành chăn nuôi; một số cán bộ thú y viên cơ sở còn yếu về năng lực chuyên môn nên chưa tham mưu được nhiều cho chính quyền cấp xã chỉ đạo sản xuất và quản lý nhà nước về chăn nuôi trên địa bàn.
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất, nhân giống giống gia súc, gia cầm bố mẹ. Con giống sản xuất tại chỗ chủ yếu theo phương thức truyền thống có chất lượng kém. Giống gia cầm công nghiệp, các giống gà lai lông màu nuôi bán chăn thả còn phải nhập trên 90% từ các tỉnh vùng xuôi lên (khoảng 01 triệu con/năm).
- Nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho chăn nuôi còn thấp. Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi vẫn cơ bản ưu tiên cho đối tượng hộ nghèo, vì vậy chưa khuyến khích được sản xuất hàng hoá.
II. Tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi
1. Mục tiêu đến năm 2020
- Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên quan điểm tái cơ cấu tổng thể ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và quy hoạch chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành chăn nuôi đạt 6%/năm; giá trị sản xuất chiếm 42% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, các tỉnh lân cận, trong nước nước và hướng tới xuất khẩu. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ra ngoại tỉnh, xuất bán hàng năm khoảng 6 - 7 ngàn tấn thịt hơi các loại.
- Hình thành các vành đai cung cấp thực phẩm cho các đô thị, du lịch và khu công nghiệp trên cơ sở các chuỗi liên kết khép kín sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 50.833 tấn. Trong đó: thịt lợn 40.500 tấn, thịt gia cầm 7.500 tấn, thịt trâu 1.830 tấn, thịt bò 507 tấn, thịt ngựa 155 tấn, thịt dê 131 tấn, các loại thịt khác 210 tấn. Sản lượng trứng đạt 54,5 triệu quả.
- Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, vùng để chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao dựa trên các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương.
2. Kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu trong năm 2014-2015
Trên cơ sở quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Lào Cai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2545/QĐ-UBND ngày 10/9/2014 của UBND tỉnh Lào Cai. Sở Nông nghiệp tham mưu, đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi: Quyết định 38/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định 44/2015/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 ban hành Quy định về chính sách đặc thù khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020.
2.1. Kết quả chuyển đổi phương thức chăn nuôi
Lào Cai đã hình thành khá rõ nét các vùng chăn nuôi:
- Vùng thấp bước đầu chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Đối tượng vật nuôi chủ yếu là lợn và gia cầm. Cơ cấu giống lợn chiếm 75% là giống lợn lai và lợn ngoại; trên 80% hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Giống gia cầm chủ yếu là giống bản địa, gà lông màu nuôi thả vườn và một số giống gia cầm công nghiệp. Chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiêp chiếm khoảng 30% tổng đàn.
Trong những năm qua, đã triển khai hỗ trợ gần 300 cơ sở chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển chăn nuôi đảm bảo điều kiện cấp chứng nhận kinh tế trang trại; tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, hiện nay đang có 02 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 300-600 nái và 3.000-6.000 lợn thịt, 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 30-35 ngàn con.
- Vùng cao với thế mạnh về đất đai rộng, mật độ dân số thấp phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là phục vụ khách du lịch: trâu, bò, ngựa, các loại vật nuôi đặc sản như gà bản địa, lợn đen bản địa, gà thả vườn, lợn rừng lai...Đàn lợn đen, gia cầm bản địa chiếm đến 80% tổng đàn.
2.2. Hình thức tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thịt trường
Đã bắt đầu hình thành các hình thức liên kết sản xuất trong chăn nuôi. Điển hình có các mô hình:
- HTX chăn nuôi Quý Hiền - huyện Bảo Thắng có 46 hộ xã viên chăn nuôi rất hiệu quả, lợi nhuận thu được trong năm bình quân mỗi hộ đạt 250 - 300 triệu đồng.
- Chuỗi lợn đen bản địa của tỉnh đang hình thành và phát triển khá tốt, các tổ hợp tác chăn nuôi lợn đen được thành lập ở các huyện Bát Xát, Mường Khương; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp giết mổ. Hiện nay đang xúc tiến xây dựng thương hiệu lợn đen bản địa Lào Cai. Thị trường sản phẩm lợn đen đang được mở rộng ở các tỉnh thành phố lớn (Hà Nội, Nam Định, Hải phòng...)
- Đã triển khai dự án phát triển đàn và xây dựng thương hiệu trâu Bảo Yên. Dự án đã hỗ trợ cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu, thành lập các hợp tác xã chăn nuôi trâu, xây dựng thương hiệu trâu Bảo Yên. Huyện Bảo Yên đang có kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá thương hiệu (tổ chức hội thi trâu, chọi trâu, xây dựng chợ trâu...).
- Xây dựng và phát triển chuỗi sản phẩm lợn trắng tại huyện Bảo Thắng, Bắc Hà.
- Tỉnh có chính sách hỗ trợ đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông sản. Mức hỗ trợ 30 triệu/nhãn hiệu sản phẩm.
III. Quy hoạch và giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020
1. Mục tiêu đến năm 2020
- Sản lượng thịt hơi các loại đạt 50.833 tấn. Trong đó: thịt lợn 40.500 tấn, thịt gia cầm 7.500 tấn, thịt trâu 1.830 tấn, thịt bò 507 tấn, thịt ngựa 155 tấn, thịt dê 131 tấn, các loại thịt khác 210 tấn.
- Sản lượng trứng đạt 54,5 triệu quả.
- Bình quân sản phẩm chăn nuôi đạt 71 kg thịt hơi và 76 quả trứng/người/năm.
- Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá hiện hành) đạt 2.724,787 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất chăn nuôi lợn đạt 1.809,258 tỷ đồng, gia cầm đạt 694,820 tỷ đồng, trâu đạt 106,266 tỷ đồng, bò 27,247 tỷ đồng, ngựa đạt 13,623 tỷ đồng, dê đạt 13,623 tỷ đồng, chăn nuôi khác đạt 21,79 tỷ đồng và sản phẩm phụ chăn nuôi đạt 38,16 tỷ đồng.
- Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ra ngoại tỉnh, xuất bán hàng năm khoảng 6 - 7 ngàn tấn thịt hơi các loại.
Cụ thể:
+ Chăn nuôi lợn: đạt 640.000 con (tăng trưởng bình quân 4,03%/năm), sản lượng đạt 40.500 tấn (tăng trưởng bình quân 6,06%/năm).
Vùng thấp: Tập trung chuyển đổi, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp chăn nuôi lớn gần khu vực các cơ sở giết mổ trên địa tỉnh.
Vùng cao: Đẩy mạnh phát triển đàn lợn đen bản địa trong hộ gia đình.
+ Chăn nuôi gia cầm: đạt 4,4 triệu con (tăng trưởng bình quân 4,73%/năm); sản lượng thịt hơi đạt 7.500 tấn (tăng trưởng bình quân 7,02%/năm), sản lượng trứng đạt 54,5 triệu quả (tăng trưởng bình quân 7,63%/năm)
Vùng thấp: Phát triển mạnh đàn gà lông màu, gồm các giống nhập nội, gà lai (Đông tảo, gà Hồ, gà mía lai với các giống gà nhập nội).
Vùng cao: Phát triển các giống gia cầm bản địa, có giá trị kinh tế cao (gà đen, vịt bầu, vịt Sín Chéng, vịt Nghĩa Đô...).
- Chăn nuôi trâu: đạt 130.000 con (tăng trưởng bình quân 1,05%/năm), sản lượng đạt 1.830 tấn (tăng trưởng bình quân 1,71%/năm).
- Chăn nuôi bò: đạt 18.000 con (tăng trưởng bình quân 3,07%/năm), sản lượng đạt 507 tấn (tăng trưởng bình quân 2,15%/năm).
- Chăn nuôi ngựa: đạt 11.000 con (tăng trưởng bình quân 1%/năm), sản lượng đạt 155 tấn (tăng trưởng bình quân 1,67%/năm).
- Chăn nuôi dê: đạt 30.000 con (tăng trưởng bình quân 2,43%/năm), sản lượng đạt 131 tấn (tăng trưởng bình quân 2,01%/năm).
2. Định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi
Dựa vào đặc điểm địa hình và thực tiễn sản xuất, quy hoạch phát triển chăn nuôi Lào Cai theo 2 vùng chính:
- Vùng cao với thế mạnh về đất đai rộng, mật độ dân số thấp gồm các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, một số xã vùng cao của huyện Văn Bàn, Bát Xát phát triển các loại vật nuôi: trâu thịt, bò thịt, ngựa thịt, các loại vật nuôi đặc sản như gà bản địa, lợn đen bản địa, gà thả vườn, lợn rừng lai...;
- Vùng thấp gồm huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai và một số xã vùng thấp của huyện văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn, thủy cầm theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp. Riêng huyện Bảo Yên bảo tồn giống trâu Bảo Yên, phát triển chăn nuôi trâu thịt;
- Căn cứ vào tình hình thực tế và các quy hoạch của tỉnh, xác định vùng không phát triển chăn nuôi, vùng hạn chế phát triển chăn nuôi và vùng trọng điểm phát triển chăn nuôi.
+ Vùng không chăn nuôi gia súc, gia cầm gồm các xã, phường thuộc nội thành, nội thị, các khu công nghiệp.
+ Vùng hạn chế phát triển chăn nuôi gồm các xã vành đai đô thị, các thị trấn, thị tứ nơi tập trung đông dân cư.
+ Vùng trọng điểm phát triển chăn nuôi gồm các xã có đường giao thông thuận tiện, có diện tích đất dành cho phát triển chăn nuôi, có các điều kiện phát triển chăn nuôi không gây ảnh hưởng đến môi trường.
2. Giải pháp
2.1. Về giống
Là giải pháp quan trọng hàng đầu quyết định đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.
- Hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng 01-02 trại lợn giống và 02 trại gà giống để sản xuất đủ con giống cung ứng cho sản xuất chăn nuôi trong tỉnh.
- Phát triển 01 trạm truyền tinh nhân tạo gia súc ở mỗi huyện, thành phố theo hình thức xã hội hóa, xây dựng mạng lưới dẫn tinh nhân tạo.
- Bình tuyển, chọn lọc, trao đổi chéo con đực giống tránh hiện tượng giao phối cận huyến nhằm nâng cao chất lượng con giống. Tăng cường nhập thuần các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, đa dạng hóa nguồn nhập, vật liệu di truyền để lai tạo và nhân giống.
2.2. Về thức ăn
- Xây dựng 01 nhà máy chế biến thức ăn, công suất 30-40 ngàn tấn/năm (chủ yếu là thức ăn đậm đặc).
- Kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giám sát danh mục thức ăn, lấy mẫu phân tích để đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiêp trên địa bàn.
- Phổ biến kiến thức về dinh dưỡng, công thức phối trộn thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia súc, gia cầm để người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn, tận dụng các sản phẩm nông nghiệp tại chỗ kết hợp với thức ăn công nghiệp để đảm bảo dinh dưỡng và giảm giá thành thức ăn.
- Khảo nghiệm, lựa chọn đưa vào sản xuất các giống cỏ có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng sinh trưởng tốt trong vụ.
2.3. Về thị trường và xúc tiến thương mại
Thúc đẩy các chuỗi giá trị phát triển trên cơ sở đẩy mạnh việc xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất, chế biến và các doanh nghiệp để tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
2.4. Về công tác thú y
- Nâng cao năng lực của hệ thống thú y để đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả mô hình "quản lý dịch hại ở cộng đồng dân cư".
- Xây dựng Trạm chẩn đoán dịch bệnh của tỉnh, tiến tới thành lập Trung tâm chẩn đoán dịch bệnh nhằm chẩn đoán, phát hiện kịp thời những loại dịch bệnh nguy hiểm.
- Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin các loại bệnh nguy hiểm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện chăn nuôi, kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y. Phát triển nhân rộng mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh.
2.5. Về khuyến nông
Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về tổ chức sản xuất chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và có hiệu quả cao.
2.6. Về bảo vệ môi trường
- Chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp.
- Xây dựng quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi; lựa chọn công nghệ xử lý môi trường tiên tiến đảm bảo đạt yêu cầu về môi trường, giá thành không cao, tiện lợi trong quá trình sử dụng như tạo khí Biogas, dùng đệm lót sinh học, sản xuất các chế phẩm phân bón từ chất thải.
2.7. Về chính sách
- Triển khai và cụ thể hóa chính sách khuyến khích đầu tư theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- Trên cơ sở các chính sách của Chính phủ, tỉnh cần thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện địa phương.
- Nghiên cứu hỗ trợ lãi suất cho một số dự án quan trọng như xây dựng các cơ sở sản xuất chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, các cơ sở chế biến, giết mổ, đầu tư sản xuất vào lĩnh vực chăn nuôi.
IV. Kiến nghị, đề xuất
Đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển chăn nuôi phù hợp với đặc thù của các tỉnh vùng Tây Bắc, cụ thể:
1. Hỗ trợ sản xuất giống vật nuôi:
- Hỗ trợ xây dựng các vùng giống trâu, bò tốt (Vùng giống trâu Bảo Yên, Bò vàng vùng cao ….); hỗ trợ một số giống mới năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn giống của tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo tồn, nghiên cứu, sản xuất nhân giống nuôi lợn, gia cầm bản địa (lợn đen, gà đen, vịt Sín Chéng, vịt Nghĩa Đô …) và sản xuất các giống mới năng suất, chất lượng cao.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Lào Cai.
3. Hỗ trợ nâng cấp các chợ gia súc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
4. Có chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Trên đây là báo cáo đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai, đề nghị Cục chăn nuôi tổng hợp, báo cáo./.
Nơi nhận: - Cục chăn nuôi; - Lãnh đạo Sở; - Lưu: VT, CNTY. |
KT.GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Văn Tuyển |