Báo cáo tiến độ thực hiện Dự án từ đầu Dự án đến 30/7/2016 của Ban QLDA tỉnh Tiền Giang

: Thứ ba - 04/10/2016 23:20  |  Đã xem: 1761
Ban quản lý Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp tỉnh Tiền Giang báo cáo như sau:

I. Tóm tắt Dự án:

1.1. Mục tiêu của dự án:

a) Mục tiêu dài hạn:

Góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp thông qua thúc đẩy sử dụng năng lượng khí sinh học sạch và phân bón hữu cơ. Nâng cao năng lực cho các bên liên quan bằng cách phổ biến kiến thức và kỹ năng về công nghệ quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp cho các đối tượng hưởng lợi.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Cải thiện các hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm từ các công trình khí sinh học; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo nguồn năng lượng sạch, phân bón hữu cơ sinh học và nguồn thu từ cơ chế phát triển sạch (CDM).

- Tăng cường ứng dụng các công nghệ quản lý chất thải nông nghiệp đã được chứng minh có hiệu quả; thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải nông nghiệp; nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ quản lý chất thải nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

- Nâng cao năng lực cho các bên liên quan và phổ biến kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp tới các bên hưởng lợi.

1.2. Tóm tắt các kết quả dự kiến của toàn bộ dự án thực hiện tại tỉnhTiền Giang theo từng hợp phần:

2.1 Hợp phần 1: Quản lý chất thải chăn nuôi

- Đào tạo tập huấn cho 900 nông dân về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

- Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng/lắp đặt 2.800 công trình khí sinh học quy mô nhỏ, 10 công trình khí sinh học quy mô vừa, 01 công trình khí sinh học quy mô lớn và kết hợp với cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị khí sinh học.

- Đến năm 2018, đào tạo tập huấn 2.800 hộ nông dân xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học quy mô nhỏ, 36 thợ xây, 25 kỹ thuật viên về các nội dung liên quan đến xây dựng, vận hành, môi trường của các công trình khí sinh học quy mô nhỏ.

2.2 Hợp phần 2: Tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học

Ban quản lý Dự án tỉnh phối hợp với hai định chế tài chính là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Hợp tác xã hỗ trợ cho 2.811 hộ gia đình, chủ trang trại vay vốn để xây dựng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường đi kèm.

2.3 Hợp phần 3: Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp

- Thực hiện 02 loại mô hình gồm: “Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại” và “Sử dụng máy phát điện bằng khí sinh học quy mô trang trại”, sau đó nhân rộng ra cộng đồng.

- Đào tạo cho 2.100 nông dân về sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

II. Tình hình chung

2.1.Tổ chức, bộ máy:

Ban quản lý Dự án LCASP Tiền Giang có 8 cán bộ gồm: 01 giám đốc, 01 phó giám đốc, 06 cán bộ chuyên môn. Trong đó có 07 cán bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và 01 cán bộ chuyên trách.

2.2.Tình trạng chung của các hoạt động dự án:

2.2.1 Các thành tựu chính:

- Đã đào tạo tập huấn cho 172 nông dân về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi bằng phương pháp nuôi trùn quế và ủ phân compost.

- Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền qua phát thanh, truyền hình và tổ chức 22 cuộc Hội thảo, tập huấn cho 870 hộ nông dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về công trình khí sinh học và chính sách hỗ trợ của dự án.

- Đã xây dựng/lắp đặt được 2.261 (đạt 80,75% kế hoạch toàn dự án) công trình khí sinh học quy mô nhỏ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

- Hỗ trợ tài chính cho 1.860 hộ dân xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Duy trì kiểm tra thường niên 10% công trình khí sinh học đã xây dựng/lắp đặt. Đến ngày 30/7/2016 đã kiểm tra được 183 công trình.

- Đã chọn hộ/chọn điểm và hoàn tất hồ sơ gửi về Ban quản lý Trung ương Dự án LCASP đề xuất 02 mô hình sản xuất Nông nghiệp các bon thấp gồm: Mô hình : “Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại” và “Sử dụng máy phát điện bằng khí sinh học quy mô trang trại”,

2.2.2   Thuận lợi chính trong quá trình thực hiện:

- Được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban quản lý Trung ương dự án LCASP và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang và các cấp chính quyền địa phương.

- Cán bộ tham gia thực hiện dự án có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và trong quản lý, điều hành dự án.

- Tỉnh có đội ngũ kỹ thuật viên và các thợ xây công trình khí sinh học quy mô nhỏ có nhiều kinh nghiệm và lành nghề.

- Mục tiêu của dự án rất thiết thực, gần gũi, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn nên được sự quan tâm, đồng thuận tham gia.

2.2.3   Khó khăn chính trong quá trình thực hiện phải giải quyết:

- Chi phí xây dựng công trình khí sinh học lớn nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư xây hầm Biogas.

- Một bộ phận người chăn nuôi chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải chăn nuôi.

- Thủ tục vay vốn ngân hàng còn khó khăn, rườm rà nên người dân rất ngại trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay.

3. Thông tin mới nhất:

3.1 Giá cả thị trường:

- Giá heo dao động trong khoảng từ 42.000 đ/kg đến 47.000 đ/kg, mức dao động khoảng 10% - 11%.

- Giá thức ăn khoảng 135.000 đồng/bao, tăng khoảng 3% - 4%.

- Giá vật tư xây dựng các công trình khí sinh học (cát, đá, xi măng, composit...) tương đối ổn định.

3.2 Xu hướng về số lượng hộ/ tổ chức tham gia dự án:

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhiều hộ dân chăn nuôi có quy mô đàn nuôi dưới 500 con là 27.584 hộ. Số hộ đã xây hầm Biogas và hiện vẫn đang sử dụng tốt là 9.868 hộ. Do đó vẫn còn khoảng 17.716 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chưa xây hầm khí sinh học (chiềm tỷ lệ 64%). Đây là nhóm đối tượng chính gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Do đó, nhu cầu về xây dựng các công trình KSH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn rất lớn.

- Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, toàn tỉnh có 564 hộ có qui mô trên 500 con nên nhu cầu xây dựng các công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn cũng rất cao.

- Các qui định về quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng chặt, áp lực của xã hội về giải quyết ô nhiễm môi trường ngày càng cao.

3.3 Những thay đổi về kế hoạch và hiệu lực trong các quy định của tỉnh:

- Căn cứ Quyết định số 303/QĐ-BNN-TC ngày 25/01/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt điều chỉnh kế hoạch tổng thể dự án “Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp”, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định số 1927/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh kế hoạch tổng thể dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” vốn vay ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện tại tỉnh Tiền Giang. Điều chỉnh giảm từ 39.266 triệu đồng (tương đương 1.915.400 USD) còn 28.152 triệu đồng (tương đương 1.279.623 USD).

III. Tiến độ thực hiện theo hợp phần:

1. Hợp phần 1 : Quản lý chất thải chăn nuôi

1.1 Tiểu hợp phần 1.1. Quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và phát triển thị trường các bon

1.1.1 Hoạt động 1: Xây dựng các mô đun đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và tổ chức đào tạo cho những người giám sát, vận hành chuỗi giá trị khí sinh học và các bên liên quan khác để áp dụng và phổ biến trong tỉnh.

- Đã tổ chức 06 lớp tập huấn cho 172 nông dân về phương pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng phương pháp nuôi trùn quế và ủ phân compost. Đạt 100% kế hoạch năm 2016 và đạt 20% kế hoạch toàn dự án.     Đây là nội dung tập huấn thiết thực giúp người dân xử lý chất thải ở các hộ dân chưa xây hầm Biogas hoặc lượng phân thừa ở những hộ đã xây hầm Biogas.

1.1.2 Hoạt động 2: Tiêu chuẩn hóa và phổ biến gói thiết kế cho chuỗi khí sinh học.

+ Thực hiện 22 lớp tập huấn tuyên truyền về công nghệ khí sinh học, quản lý chất thải chăn nuôi cho 870 người, đạt 100% kế hoạch.

+ Thực hiện 4 buổi tọa đàm trực tiếp truyền trên đài truyền hình và phát lại với đề tài “ Lợi ích từ các công trình khí sinh học”.

+ Thực hiện 3/4 chương trình phát thanh tuyên truyền trên đài Truyền thanh của 11 huyện, thị, thành nhằm tuyên truyền về việc hỗ trợ xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học.

+ Lắp đặt 10 bảng pano tuyên truyền về xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học tại các tuyến đường trục chính, gần Ủy ban nhân dân các xã, nhiều người qua lại trên địa bàn tỉnh để tăng hiệu quả thông tin tuyên truyền về xây dựng/lắp đặt hầm Biogas đến người dân.

+ Tổ chức đào tạo tập huấn cho 2.100 hộ dân tham gia xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học về công tác kiểm tra, nghiệm thu trong qua trình xây dựng/lắp đặt công trình và sử dụng, vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học.

+ In 20.000 tờ rơi, 3.000 áo và 3.000 nón thông tin, tuyên truyền về hỗ trợ của dự án trong xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học.

1.2 Tiểu hợp phần 1.2. Hỗ trợ phát triển các công trình khí sinh học

1.2.1 Hoạt động 7: Giám sát vận hành các công trình khí sinh học với các hạng mục môi trường đầy đủ.

 + Đã hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các kiến thức về giám sát vận hành các công trình khí sinh học đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cho 2.261 hộ dân xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học quy mô nhỏ.

 + Đã kiểm tra, nghiệm thu 2.261 công trình khí sinh học đã xây dựng/lắp đặt nêu trên.

 + Kiểm tra thường niên 183 công trình. Các công trình kiểm tra đều đạt chất lượng, đang vận hành tốt và được xây dựng/ lắp đặt theo đúng quy định của dự án.

1.2.2 Hoạt động 8: Đào tạo và cấp chứng nhận cho các kỹ thuật viên, thợ xây, kỹ sư và nhà thầu để hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học.

+ Đào tạo kỹ thuật viên: đã đào tạo 15 kỹ thuật viên trên địa bàn tỉnh. Các kỹ thuật viên thông qua lớp tập huấn nắm bắt được những yêu cầu kỹ thuật, những quy định theo sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án về công trình khí sinh học để có thể hỗ trợ cho người dân có nhu cầu xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học.

+ Đào tạo thợ xây: Đã đào tạo 23 thợ xây trên địa bàn tỉnh. Thông qua lớp tập huấn các thợ xây biết và thực hiện những yêu cầu kỹ thuật của dự án trong công tác xây dựng công trình khí sinh học và các hạng mục kèm theo.

Ban quản lý dự án tỉnh đã thực hiện đúng kế hoạch, đã đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và thợ xây đáp ứng nhu cầu công tác xây dựng và kiểm tra nghiệm thu các công trình khí sinh học quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.

1.2.3 Hoạt động 9: Hỗ trợ tài chính cho các công trình khí sinh học.

 - Hỗ trợ tài chính cho 1.860/2.261 công trình khí sinh học quy mô nhỏ đã xây dựng/lắp đặt.

- Dự kiến đến hết tháng 6 năm 2017 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 2.800 công trình được giao.

- Ước đến tháng 6 năm 2017 sẽ tiến hành xây dựng xong 10 công trình khí sinh học quy mô vừa.

2. Hợp phần 2: Các hoạt động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Hợp tác xã trong việc triển khai cho vay tín dụng.

Ban QLDA tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trong việc thông tin về việc hỗ trợ cho vay vốn xây dựng/lắp đặt các công trình khí sinh học thông qua cáac hoạt động như tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, phát thanh trên đài phát thanh, truyền hình...nhưng số hộ vay vốn ngân hàng còn hạn chế.

* Nguyên nhân chủ yếu là số tiền vay để xâydựng/lắp đặt hầm Biogas nhỏ, lãi suất không ưu đãi (vay 5 năm lãi suất 8,1%). và phải có tài sản thế chấp cho ngân hàng.

3. Hợp phần 3: Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

3.1. Tiểu hợp phần 3.1.: Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp các bon thấp

3.1.1 Hoạt động 2: Thiết lập hệ thống thông tin cho việc chia sẻ các ứng dụng sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

Kế hoạch sẽ thực hiện nội dung này trong năm 2017 gồm các hoạt động: Thực hiện 02 buổi tọa đàm trực tiếp, 02 chương trình phóng sự trên đài truyền hình; 01 chương trình phát thanh trên các đài phát thanh huyện, thị, thành; 11 lớp hội thảo, tập huấn tuyên truyền; in 10.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về ứng dụng sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

3.1.2 Hoạt động 3: Đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ khuyến nông về ứng dụng hiệu quả các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

- Đã thực hiện 01 chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm cho 12 người gồm các cán bộ ngành nông nghiệp, cán bộ dự án và kỹ thuật viên của Ban quản lý Dự án LCASP Tiền Giang

- Kế hoạch năm 2016 và 2017 sẽ tổ chức 02 chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm đến các tỉnh miền Bắc cho cán bộ, kỹ thuật viên dự án và cán bộ ngành nông nghiệp.

3.2. Tiểu hợp phần 3.2. Xây dựng các mô hình nông nghiệp các bon thấp

3.2.1 Hoạt động 6: Xây dựng các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi cho sản xuất nông nghiệp và giảm phát khí nhà kính.

- Tiền Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp chiếm gần 80%, trong đó, ngành chăn nuôi phát triển mạnh, đứng hàng thứ 2 trong khu vực với tổng đàn heo trên 602 ngàn con, đàn bò 88 ngàn con và gia cầm trên 8 triệu con. Những năm qua tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính nhưng số lượng còn hạn chế nên tác nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở ngành chăn nuôi.

- Hiện nay trên toàn tỉnh có trên 35% số hộ chăn nuôi lợn với qui mô 500 con thì việc xử lý chất thải thừa càng gặp nhiều khó khăn, gây ô nhiễm môi trường.

- Do đó tỉnh Tiền Giang đã chọn thực hiện 02 mô hình; “ Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại” (05 mô hình) và mô hình “Sử dụng máy phát điện bằng khí sinh học quy mô trang trại” (02 mô hình).

3.2.2 Hoạt động 7: Đào tạo cán bộ khuyến nông và nông dân về các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp

- Năm 2016 sẽ thực hiện 20 lớp tập huấn cho 600 người về công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp trong xử lý chất thải chăn nuôi kết hợp với trồng trọt ( Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm đệm lót sinh học, lên men sinh học để làm thức ăn chăn nuôi,...).

4. Hợp phần 4: Quản lý dự án

4.1. Quản lý dự án:

Thực hiện các khoản chi lương, phụ cấp dự án và các khoản trích theo lương cho các cán bộ dự án bằng nguồn vốn đối ứng địa phương với tổng số tiền là 672.464.340 đồng. Chi thường xuyên từ nguồn vốn ADB là: 458.497.378 đồng.

4.2. Giám sát, đánh giá dự án:

Ban quản lý Dự án LCASP tỉnh Tiền Giang có cử 01 cán bộ thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án. Hàng quý kịp thời tổng hợp, gửi báo cáo về Ban Trung ương.

4.3. Kiểm toán:

Hàng năm, Ban quản lý tỉnh đều được đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán dự án. Qua các đợt kiểm toán nhìn chung Ban quản lý tỉnh Tiền Giang đều thực hiện tốt các công tác kế toán, lập báo cáo tài chính theo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ ADB.

4.4. Hệ thống báo cáo của dự án:

Cử cán bộ theo dõi thực hiện, cập nhật số liệu từ các huyện, các cán bộ chuyên môn của dự án, hàng quý cập nhật và gửi báo cáo về Ban Trung ương theo đúng quy định.

IV. Các biện pháp đảm bảo an toàn:

1. Đảm bảo an toàn môi trường:

Tất cả cán bộ dự án, kỹ thuật viên, thợ xây và các hộ dân xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học đều được tập huấn vận hành và bảo dưỡng công trình khí sinh học để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.

2. Đảm bảo an toàn xã hội:

3. Giới và Dân tộc thiểu số:

- Việc xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học ngoài giải quyết các vấn đề về chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường thì khí gas sinh ra phục vụ cho sinh hoạt (đun nấu, thắp sáng,...) góp phần giảm thời gian làm việc cho phụ nữ.

- Ban quản lý dự án tỉnh khuyến khích các đối tượng tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn nên có nhiều nữ tham dự. Thành phần nữ tham gia các lớp tập huấn chiếm 40% học viên.

V. Giải ngân:

Tổng số giải ngân từ đầu dự án đến ngày 30/7/2016: 7.960.655.948 đồng (tương đương 370.262 USD). Bao gồm:

 + Vốn ADB: 7.288.161.908 đồng (tương đương 338.985 USD).

         + Vốn đối ứng địa phương: 672.646.340 đồng (tương đương 31.227 USD).

VI. Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới

- Duy trì công tác tuyên truyền về các hoạt động của dự án

- Tiếp tục thực hiện 539 công trình qui mô nhỏ. Hoàn thành vào tháng 6 năm 2017.

- Tổ chức thực hiện 2 mô hình sản xuất nông nghiệp cácbon thấp trong xử lý chất thải chăn nuôi qui mô trang trại khi được phê duyệt.

- Tổ chức đào tạo nông dân về sản xuất nông nghiệp cácbon thấp

- Đảm bảo công tác quản lý dự án đúng qui điịnh của pháp luật và nhà tài trợ.

VII. Kết luận:

- Tiền Giang đã thực hiện tốt hoạt động thông tin tuyên truyền và đã thực hiện được hơn 80% kế hoạch dự án về xây dựng công trình KSH qui mô nhỏ và sẽ hoàn thành kế hoạch dự án vào tháng 6 năm 2017.

- Đã hoàn thành đề xuất 2 mô hình sản xuất nông nghiệp cácbon thấp trong xử lý chất thải chăn nuôi qui mô trang trại.

- Đảm bảo công tác quản lý dự án đúng qui đi65nh của pháp luật và nhà tài trợ.

VII. Kiến nghị

- Ban quản lý dự án Trung ương tổ chức tham quan, hội thảo trao đổi về các mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp để các tỉnh có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

- Bổ sung thêm 2.000 hầm Biogas quy mô nhỏ cho tiền Giang để giải quyết nhu cầu xây hầm của người dân.

- Xem xét lại lãi suất ngân hàng để có tính cạnh tranh và người dân dễ tiếp cận nguồn vốn vay.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây