Xây dựng chính sách quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

: Thứ ba - 24/10/2017 14:43  |  Đã xem: 1628
Khoa học đã kết luận, tỷ lệ dinh dưỡng hiệu quả nhất cho hầu hết các cây trồng là: 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ.
Xem bài viết đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam tại đây
Năm 2013, tỷ phú Bill Gates từng nói: “Tôi bị ám ảnh bởi phân bón. Có nghĩa là tôi rất thích thú với vai trò của nó chứ không phải cách sử dụng nó. Phân bón đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Cụ thể, 40% thế giới hưởng lợi từ sản lượng cây trồng tăng lên từ phân bón”.
09 47 57 lcspqungninh1
Chất thải chăn nuôi - một nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ đang bị bỏ phí
 

Khoa học đã kết luận, tỷ lệ dinh dưỡng hiệu quả nhất cho hầu hết các cây trồng là: 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 10,2 triệu tấn phân vô cơ (trong đó 35% nhập khẩu) và 1 triệu tấn phân hữu cơ (không kể phân hữu cơ nông dân tự ủ).

Như vậy, tỷ lệ dinh dưỡng cây trồng đang mất cân đối nghiêm trọng. Đây là điều hết sức phi lý, trong khi Việt Nam có nguồn nguyên liệu khổng lồ để sản xuất phân bón hữu cơ, đó là phân, nước thải sinh ra từ hoạt động chăn nuôi .

Khủng hoảng thừa chất thải chăn nuôi

Tại hội thảo “Định hướng và đề xuất xây dựng các chính sách về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam” vừa được tổ chức tại Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cố vấn Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, cho biết: Mỗi năm, 4 loại vật nuôi chính gồm lợn, gia cầm, bò, trâu thải ra khoảng 63 triệu tấn chất thải rắn và 63,7 triệu m3 chất thải lỏng (tương đương khoảng 1.877 ngàn tấn urea, 876 ngàn tấn supe lân đơn và 712 ngàn tấn kali clorua).

Tuy nhiên, chúng ta đang sử dụng rất lãng phí nguồn tài nguyên này. Bởi hiện nay, mới chỉ có khoảng 30% chất thải được sử dụng làm phân bón, tương đương 28 triệu tấn, đáp ứng 25% nhu cầu. Phần lớn phân hữu cơ chế biến được sản xuất từ than bùn.

Theo TS Nguyễn Thế Hinh, Trưởng BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương, điều tra tại 10 tỉnh tham gia dự án cho thấy, nhu cầu thu gom chất thải rắn trong chăn nuôi để sử dụng làm phân bón hữu cơ tại Việt Nam rất cao. Thậm chí có hẳn một mạng lưới thu gom phân bò khô từ miền Trung vào ĐBSCL để bán cho các cơ ở sản xuất phân bón hữu cơ ở Tây Nguyên. Hầu hết phân gia cầm đều được sử dụng làm phân bón. Vậy tại sao lại có một lượng lớn chất thải chăn nuôi xả ra môi trường gây ô nhiễm? Câu trả lời là do các trang trại sử dụng nhiều nước làm vệ sinh và làm mát cho lợn nhằm tiết kiệm lao động và giảm mùi hôi, dẫn đến chất thải chăn nuôi bị hoà loãng thành phân lỏng, không thể thu gom và chỉ còn cách xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Ăn miếng thịt phải nghĩ đến tương lai

TS Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra con số có thể khiến nhiều người giật mình: Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), để sản xuất và chế biến 1kg thịt lợn cần khoảng 5.700 lít nước. Như vậy, ngành chăn nuôi sẽ tạo ra tác động tiêu cực môi trường ghê gớm nếu không có biện pháp quản lý chất thải.

 

09 47 57 lcspqungninh3
Hội thảo Định hướng và đề xuất xây dựng các chính sách
về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam
 

Ở Việt Nam, mật độ chăn nuôi lợn cao gấp 3 lần mật độ nuôi trung bình của thế giới. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét việc đưa vào Luật Chăn nuôi quy định khoảng cách chăn nuôi; mật độ chăn nuôi và diện tích chăn nuôi phù hợp với số đất nông nghiệp để xử lý hết chất thải chăn nuôi. Bộ NN-PTNT cần xây dựng quy chuẩn về phân bón hữu cơ dạng rắn và lỏng để tạo điều kiện cho phân bón phát triển, phục vụ sản xuất nông sản sạch.

Việc áp thuế bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cũng cần được nghiên cứu, xem xét. Được biết, từ 1/8/2018, Trung Quốc bắt đầu đánh thuế bảo vệ môi trường trên đầu lợn. Nếu trang trại không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thì sẽ bị phạt từ 1 - 1,4 nhân dân tệ mỗi đầu lợn hoặc 30 đầu gà. Phải coi bảo vệ môi trường là một trong những chi phí đầu vào của sản xuất, có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân chuồng cũng chưa thực sự được quan tâm.

TS Nguyễn Thế Hinh chia sẻ: “Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm và được biết, nếu nông dân có thể ự ủ phân compost để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, bao nhiêu họ cũng mua. Nhưng quan trọng là không phải nông dân nào cũng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật”.

Do đó, việc cần làm lúc này là xây dựng bộ chủng giống vi sinh vật chuyển hoá chất hữu cơ chuẩn cho mỗi loại chất thải và hệ thống cung cấp.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn ưu đãi, mặt bằng, chế phẩm vi sinh vật, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ quảng bá sản phẩm cũng như cơ chế liên kết trang trại chăn nuôi để thu gom chất thải và phương tiện vận chuyển chất thải phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

http://nongnghiep.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây