Tín hiệu vui từ hoạt động đào tạo nâng cao năng lực hộ chăn nuôi sản xuất nông nghiệp các bon thấp của dự án LCASP.

: Thứ năm - 29/11/2018 14:27  |  Đã xem: 1154
Trong chuyến đi công tác khảo sát đánh giá công tác đào tạo của dự án, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Băng, sinh sống tại Thôn Ruồng, xã Thượng Lan, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đây là một hộ gia đình đã tham gia xây dựng mô hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp an toàn  của dự án LCASP Bắc Giang. Đi từ cổng vào chúng tôi đã thấy một vườn đủ loại cây ăn quả, rau, hoa...  Trong sân nhà, chị Băng đang băm chặt các loại rau, nào khoai lang, gốc rau muống, thân cây chuối... để nấu cám cho các loại vật nuôi, tôi nhận ra rằng chị đang tận dụng phụ phẩm trồng trọt để chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi như ông cha ta đã làm từ ngàn  đời nay vậy.

Anh Giang, chồng chị đi lao động tại Đài Loan đã được 3 năm, xa nhà nhưng mỗi tháng anh cũng gửi về phụ giúp vợ nuôi bố mẹ chồng và 02 con nhỏ khoảng 20 triệu đồng. Mọi việc ở nhà đều đổ lên vai chị, một mình nuôi 2 con nhỏ, đứa lớn mới 8 tuổi. Trang trại của gia đình chị rất rộng, lúc nào cũng nuôi từ 40-60 đầu lợn, thu lãi từ 40-60 triệu/năm.Từ khi được dự án hỗ trợ xây công trình khí sinh học, gia đình chị đã tiết kiệm được thêm chi phí mua chất đốt, khí gas sinh ra từ hầm khí sinh học giúp chị có đủ gas để đun nấu cho gia đình, nấu cám cho lợn, gà, ..., . Ngoài chăn nuôi lợn, chị Băng còn nuôi khoảng 200 -300 con gà đủ loại (gà đẻ, gà thịt, gà con), ngày nào chị cũng thu được hàng trăm quả trứng, bán với giá 3.500 đồng/quả. Mỗi tháng chị thu được triệu đồng tiền bán cả trứng lẫn gà, mà chẳng phải mang đi đâu xa, tiếng lành đồn xa, ai cũng tìm đến nhà mua trứng gà sạch, thơm ngon của gia đình nhà chị. Vườn cây ăn quả, hoa màu có hàng trăm gốc cam, bưởi, chanh, chuối, rau cải, xà lách... đủ loại đang đến độ thu hoạch, cây nào cũng trĩu quả và chẳng bị sâu bệnh, mỗi năm cũng bán được khoảng 20 triệu/năm. Chị đã cho chúng tôi biết , từ khi được dự án LCASP Bắc Giang đào tạo, hỗ trợ, xây nhà ủ phân, chị đã thu gom tất cả lá rau, cây, phụ phẩm từ lợn, gà.. đem ủ với men vi sinh, vừa nhanh lại có phân chất lượng tốt bón cho cây, chị chẳng phải mua phân hóa học, mà cây lúc nào cũng khỏe, không bị sâu bệnh hại như trước kia. Rau, quả mùa nào thức ấy, bán dễ, người mua tới tận nhà,. Nước thải sau biogas được sử dụng để tưới vườn,  xả ra ao nuôi cá. Ao nuôi cá của chị đày đặc cá trắm đen,  rô phi,hàng năm chỉ tiền bán cá cũng được hàng trăm triệu, thu lãi từ 30 đến 40 triệu/năm.

Chị cho biết, trước khi tham gia dự án, gia đình chủ yếu sử dụng phân hóa học bón cho cây, chất thải trong chăn nuôi thải ao mương, rạch mùi hôi thối.Từ khi tham gia dự án, gia đình chị đã giảm được rất nhiều tiền mua chất đốt, tận dụng tất cả phụ phẩm cả trồng trọt và chăn nuôi, quay vòng theo chuỗi, chẳng vứt đi thứ gì, ngoài mấy túi nilon, trang trại luôn sạch, không mùi hôi thối. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình thu được từ 140 triệu- 160 triệu đồng. Những năm giá lợn xuống thấp như năm 2017 gia đình chị vẫn không bị lỗ vì chủ động được cả thức ăn, chất đốt, lợn lại không bị bệnh dịch còn dễ bán. Đây chính là mô hình điển hình vườn – ao –chuồng thành công của người nông dân ở tỉnh Bắc Giang.

Cả đoàn chúng tôi ra khỏi trang trại nhà chị Băng, ai cũng thấy ấm lòng, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp  đã mang lại hiệu quả đích thực cho người nông dân. Chúng tôi còn nhận ra rằng, nếu các hộ dân đều làm nông nghiệp như gia đình chị Băng, đảm bảo cung cấp sản phẩm  chăn nuôi và trồng trọt an toàn thì chắc chắn sản phẩm của họ sẽ tiêu thụ tốt.có lợi nhuận, chuỗi giá trị tuần hoàn bền vững. Cảm phục phụ nữ Việt Nam, không chỉ chịu thương, chịu khó, mà còn biết ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp họ có thể làm giầu trên chính mảnh đất quê hương mình và biến các miền quê thành  nơi đáng sống.

 

IMG 1419

IMG 1424

IMG 1421

IMG 1423

 

Tác giả bài viết: PGS. Phạm Thị Vượng - Tư vấn LIC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây