TIỀM NĂNG LỚN CỦA PHÂN BÓN HỮU CƠ KHOÁNG TỪ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

: Thứ ba - 23/05/2017 16:34  |  Đã xem: 2424
"Thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ nói chung và hữu cơ khoáng nói riêng từ chất thải chăn nuôi sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và giúp giảm ô nhiễm môi trường bền vững. Đây là hướng đi đúng đắn và hiệu quả cần được các Bộ Ngành quan tâm khuyến khích và hỗ trợ phát triển"

 

Logo LCASP website

TIỀM NĂNG LỚN CỦA PHÂN BÓN HỮU CƠ KHOÁNG TỪ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

(Bài viết đã được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam - xem Tại đây)

Người viết: TS. Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc dự án LCASP

Phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi đã được người dân sử dụng lâu đời trong nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bắt đầu từ thập niên 80, tác động của cách mạng xanh đã đem lại phát triển tích cực về thuỷ lợi và giống mới, nhưng đồng thời là sự gia tăng sử dụng các vật tư có nguồn gốc hoá học (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ), các vật tư bản địa có nguồn gốc sinh học như phân chuồng, phân xanh ngày càng trở nên ít phổ biến.

Sự lạm dụng phân bón hoá học qua trên ba thập kỷ, nông nghiệp Việt Nam đã và đang đối mặt với những hậu quả khá nghiêm trọng: (i) ô nhiễm môi trường nông nghiệp; (ii) mất an toàn vệ sinh thực phẩm; (iii) độ phì nhiêu của đất giảm nhiều trường hợp đất thoái hoá, cây trồng kém đáp ứng với phân bón; (iv) năng suất sản lượng tăng nhưng thu nhập của nông dân có xu hướng giảm do chi phí đầu vào cao, nhu cầu thị trường giảm do nguồn cung tăng, thị trường nông sản thế giới không ổn định. Đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam cần một hướng đi mới bền vững và hiệu quả hơn, một trong những hướng đi đó là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khởi xướng tại hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” ngày 04/4/2017 tại Hà Nội.

Hiện tại, mỗi năm Việt nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó hơn 90% là phân bón hóa học (số liệu thống kê năm 2016 cho thấy Việt Nam nhập khẩu khoảng 4,2 triệu tấn phân bón hóa học với trị giá 1,25 tỷ USD), phân bón hữu cơ chỉ chiếm xấp xỉ 1 triệu tấn. Tính bình quân mỗi ha canh tác ở Việt Nam nhận hơn 1 tấn phân bón hoá học mỗi năm, đây là mức cao so với các nước trong khu vực. Khi sử dụng phân bón hóa học, khoảng từ 30-50% lượng phân bón được cây trồng sử dụng để tạo sinh khối, phần còn lại sẽ bị bốc hơi và rửa trôi xuống nguồn nước gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hàng năm, ngành chăn nuôi Việt Nam thải ra khoảng 80 triệu tấn chất thải rắn, trong đó chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn, …), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm. Như vậy, nếu có giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm thay thế một phần lượng phân bón hóa học nhập khẩu thì sẽ tiết kiệm được ngoại tệ, tạo thêm việc làm và thu nhập bổ sung cho nông dân và nền kinh tế.

Phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ hiện tại còn quá nhỏ bé so nhu cầu trong nước về phân bón hữu cơ nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và những cây trồng có giá trị xuất khẩu như tiêu, cà phê, điều, cây ăn quả, cao su, vải, … Hiện tại, đa số các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ tại Việt Nam đang sử dụng than bùn làm nguyên liệu chính do nguồn nguyên liệu tập trung, ổn định, thuận tiện vận chuyển. Nguồn than bùn hiện nay đã giảm đáng kể và chất lượng kém. Vì vậy, nếu sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ thì sẽ có sản phẩm đầu ra chất lượng cao hơn nhiều. Do vậy, một số doanh nghiệp phân bón đang tìm kiếm giải pháp thay thế nguyên liệu than bùn bằng chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây là hướng đi đúng cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bằng các chính sách và công nghệ phù hợp.

Một số hạn chế của phân bón hữu cơ cần được khắc phục như: (i) cần bón một khối lượng lớn phân trên một đơn vị diện tích nên bất tiện hơn về vận chuyển và sử dụng so với phân hóa học; (ii) tác động của phân bón hữu cơ không nhanh chóng như phân bón hóa học; (iii) chi phí đầu vào cao hơn so với phân bón hóa học. Những hạn chế này có thể được khắc phục phần nào khi sử dụng phân bón hữu cơ khoáng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc kết hợp giữa phân bón hữu cơ và phân bón hóa học thành phân bón hữu cơ khoáng sẽ có nhiều tác dụng tích cực như: (i) giảm thất thoát phân bón hóa học khi bón cho cây trồng; (ii) giúp cho phân bón hữu cơ có tác động nhanh hơn lên sinh trưởng và năng suất cây trồng; (iii) giảm khối lượng phân bón cần sử dụng trên đơn vị diện tích. Như vậy, nếu phát triển phân bón hữu cơ khoáng sẽ giúp cho nông dân thuận tiện khi sử dụng và tin tưởng hơn khi nhìn thấy tác động nhanh và rõ rệt của phân bón đối với cây trồng. Việc sử dụng phân hữu cơ khoáng nhằm phục vụ trên diện rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGap, Global GAP,...; trong khi phân hữu cơ nguyên hoặc phân hữu cơ vi sinh sẽ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với các loại sản phẩm có chọn lọc.

Tóm lại, thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ nói chung và hữu cơ khoáng nói riêng từ chất thải chăn nuôi sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và giúp giảm ô nhiễm môi trường bền vững. Đây là hướng đi đúng đắn và hiệu quả cần được các Bộ Ngành quan tâm khuyến khích và hỗ trợ phát triển, đặc biệt cần sớm hình thành các chính sách khuyến khích quản lý chất thải nông nghiệp, sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Các tổ chức nhà nước, đoàn thể, hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ cần dành kinh phí và nguồn lực để tuyên truyền, phổ biến, thúc đẩy ứng dụng sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó gia tăng sản xuất và ứng dụng phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp, chủ yếu từ chăn nuôi là một trụ cột. 

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc dự án LCASP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây