Nhàn như nuôi lợn chuồng sàn

: Thứ sáu - 14/06/2019 14:25  |  Đã xem: 1541
Trong khi nhiều cơ sở chăn nuôi buộc phải đóng cửa vì ô nhiễm môi trường, thì nhiều chủ trang trại lại coi chất thải chăn nuôi là tài sản quý. Nếu tận dụng tốt thì sẽ thu được nguồn lợi lớn.
08 26 25 3
Chăn nuôi lợn chuồng sàn mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: MP.
 

Ông Vũ Đình Tuấn (xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) có thâm niên nuôi lợn hơn 10 năm. Với quy mô chăn nuôi hơn 300 con lợn, lão nông này đã thử nghiệm rất nhiều giải pháp để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhưng vì chăn nuôi theo kiểu truyền thống, sử dụng nước để tắm và vệ sinh chuồng lợn nên dung dịch lỏng thải ra vượt công suất thiết kế của hầm biogas.

Nước phân chứa hàm lượng chất hữu cơ chảy ra nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân liền kề. Năm 2018, ông Tuấn phối hợp với Ban Quản lý dự án nông nghiệp các bon thấp Đoan Hùng triển khai mô hình chăn nuôi chuồng sàn không thải ra môi trường với quy mô 100 con lợn thịt.

Đây là phương pháp chăn nuôi tiết kiệm nước, không sử dụng nước để tắm và làm mát cho lợn, bởi vậy hàm lượng chất khô đạt trên 70%, rất dễ thu gom vào một bể chứa phía dưới.

Sau mỗi lứa lợn, ông Tuấn sử dụng máy bơm áp lực cao để bơm dung dịch này lên bể ủ phân, trộn với mùn cưa, vỏ trấu, men vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ. Nhờ đó, khu chuồng không xả thải bất cứ chất thải nào ra môi trường.

Ông Vũ Đình Tuấn chia sẻ: Nhờ dự án LCASP hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi mới bằng chuồng sàn, mới theo dõi lứa đầu nhưng trước mắt thì thấy tiện lợi hơn rất nhiều so với nuôi chuồng trệt. Lợn cũng phát triển tốt hơn, tiêu tốn cám thấp hơn so với trước đây.

Trước đây, tháng nào gia đình tôi cũng phải trộn 1 tuần kháng sinh, nhưng khi chuyển sang chuồng sàn thì không cần trộn kháng sinh bổ sung nữa mà lợn vẫn sinh trưởng bình thường.

Đặc biệt, chất thải không chảy ra môi trường, lượng nước sử dụng chỉ bằng 1/10 công nghệ nuôi truyền thống.

Cách đó không xa, nhờ ứng dụng công nghệ nuôi chuồng sàn bê tông có khe thoáng, ông Từ Quang Vĩnh (xóm 5, xã Vụ Quang) đã thu gom toàn bộ phân thải để sản xuất thức ăn cho đàn cá trong hồ rộng hơn 10 ha.

Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ phân thải cho một số hộ trồng cây ăn quả cho một số hộ lân cận. Nhờ đó, vườn cam, bưởi, nhãn... phát triển rất tốt, cho năng suất cao.

“Chăn nuôi chuồng sàn sẽ giảm chi phí thuốc men. Vì chuồng bê tông thì thường xuyên xảy ra hiện tượng ẩm ướt nền, lợn dễ mắc bệnh. Trong khi chăn nuôi chuồng sàn rất nhàn, đỡ công lao động. Chỉ khi nào lợn ốm thì mình mới tiêm”, ông Tuấn chia sẻ”.

Tại mô hình chăn nuôi lợn của ông Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), phân thải từ lứa lợn hơn 50 con đầu tiên chăn nuôi trên chuồng sàn đã được thu gom, trộn với rơm khô băm nhỏ, phụ phẩm nông nghiệp, trấu để ủ phân hữu cơ.

Khoảng 18 tấn phân đã được tạo ra, lượng phân này được sử dụng để bón cho cay trồng trong trang trại và bán cho các hộ canh tác nông nghiệp ở địa phương. Đây là nguồn dinh dưỡng rất quý cho cây trồng.

Từ kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi nói trên, có thể khẳng định chăn nuôi lợn chuồng sàn là mô hình hiệu quả và phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay.

Ở địa phương chúng tôi có gia đình nhà ông Tô Hiến Thành là một trong những gia đình đi đầu trong lĩnh vưc sản xuất nông nghiệp nói chung. Riêng đối với chăn nuôi lợn, hiện nay ông đang áp dụng mô hình chăn nuôi. Một là chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học, thứ hai là chăn nuôi chuồng sàn. Quá trình chăn nuôi, ông đã tiết kiệm được khoảng 80% nguồn nước, qua đó giảm đáng kể lượng nước thải ra môi trường”, ông La Văn Bộ - Phó Chủ tịch UBND xã Danh Thắng chia sẻ.

Hoàn thiện mô hình toàn diện

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đã khảo sát mô hình chăn nuôi tiết kiệm nước thuộc gói thầu số 27 – Dự án Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), tại tỉnh Bắc Giang.

Thứ trưởng biểu dương kết quả nghiên cứu ban đầu của gói thầu số 27: Nghiên cứu công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước.

Tuy nhiên Thứ trưởng chỉ đạo cần hoàn thiện mô hình với những cơ sở khoa học vững chắc, quy trình hoàn chỉnh, kết quả các sản phẩm của mô hình, cụ thể là phân bón hữu cơ, cần đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp cần hoàn thiện mô hình một cách toàn diện để làm điểm nhân rộng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây