Một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nuôi heo, tỷ suất lợi nhuận 60%, thời gian hoàn vốn chỉ 2-3 năm

: Thứ ba - 21/03/2023 19:22  |  Đã xem: 732
Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã thí điểm mô hình chăn nuôi tuần hoàn tại một số trang trại heo quy mô trên 5.000 con, đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn 2-3 năm.

Tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”, TS. Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn heo đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.

TS. Võ Trọng Thành cho rằng với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường. Do vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn là định hướng của việc xử lý các vấn đề môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Theo định hướng, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp.
 

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam.

Về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ông Hinh cho biết hiện nay có ba công nghệ chính, bao gồm xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).

Trong thời gian qua, dự án hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp (LCASP) đã xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2000 đầu heo/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas.

Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại heo quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn 2-3 năm.

Ông Nguyễn Thế Hinh khẳng định các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng.

Đối với mô hình máy tách phân, ông Hinh cho biết đa số các trang trại áp dụng sản xuất phân bón từ chất thải chăn nuôi theo hướng tự phát quy mô nhỏ và vừa, không nắm rõ các thủ tục đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ.

Do đó, đại diện Ban Quản lý các dự bán nông nghiệp đề xuất tạo điều kiện đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ cho người dân quy mô nhỏ; hình thành, phát triển hệ thống thu gom, tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các trang trại quy mô nhỏ và vừa.

Đối với mô hình hệ thống tưới nước thải sau biogas, trong nhiều năm, người chăn nuôi phải tuân thủ quy chuẩn Việt Nam số 62 nên không thể sử dụng nước thải sau biogas trong tưới tiêu.

Tuy nhiên, ngày 30/12/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn Việt Nam 01 về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Những quy định mới này vẫn chưa được nhiều trang trại, nông dân biết đến, TS. Nguyễn Thế Hinh đề xuất tuyên tuyền rộng rãi hơn, cung cấp thông tin cho người dân.

Còn với mô hình máy phát điện, TS. Nguyễn Thế Hinh cho biết hiện nay Chính phủ chưa cho phép nối điện biogas với lưới điện quốc gia nên điện khí sinh hoạt sản xuất ra không được tiêu thụ. Đa số các trang trại chăn nuôi chỉ có nhu cầu sử dụng khoảng 20-30% sản lượng điện biogas sinh ra nên hiệu quả kinh tế khá thấp.

TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Chính phủ cho phép nối lưới điện khí sinh học để tạo thị trường đầu ra cho điện biogas, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển, sản xuất và thương mại hóa máy phát điện biogas nội địa.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây