Kết quả đầu tư máy phát điện khí sinh học xử lý ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi
: Thứ ba - 23/10/2018 06:17
|
Đã xem: 1684
Máy phát điện khí sinh học (KSH) đã được giới thiệu ở nước ta nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi do chưa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chính vì lý do người dân không sử dụng máy phát điện KSH mà một lượng khí bioga rất lớn sinh ra từ các hầm KSH quy mô lớn tại các trang trại chăn nuôi bị đốt bỏ hoặc xả bỏ ra môi trường gây ô nhiễm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân không sử dụng máy phát điện KSH được ghi nhận như: máy chạy không ổn định, không liên tục, chi phí vận hành bảo dưỡng, sửa chữa cao, thao tác vận hành phức tạp, giá điện lưới thấp hơn so với giá thành phát điện KSH, … Để giúp cho người chăn nuôi đầu tư xử lý môi trường bền vững, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã đặt mục tiêu tìm kiếm những công nghệ vừa giúp xử lý môi trường nhưng lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Mô hình hệ thống máy phát điện của dự án LCASP bước đầu đã đem lại kết quả khả quan tại các trang trại lợn ở Bình Định. Việc đầu tư hệ thống máy phát điện tại các trang trại chăn nuôi không chỉ đem lại hiệu quả đầu tư cao mà còn giúp giảm lượng khí ga thừa xả ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hiệu quả của các công trình KSH.
TÓM TẮT NỘI DUNG
Trong thời gian qua, chúng ta đã coi công nghệ khí sinh học như là biện pháp chủ yếu để xử lý môi trường chăn nuôi lợn. Do điều kiện Việt Nam có nguồn nước khá dồi dào nên người chăn nuôi đã sử dụng rất nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại và làm mát cho lợn. Việc sử dụng nhiều nước dẫn đến chất thải lỏng không thể thu gom và chỉ còn cách xử lý thông qua các hầm bioga. Mặc dù hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn đều có hầm KSH để xử lý môi trường nhưng vẫn gây ra ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường xung quanh. Nguyên nhân chính là do khí ga sinh ra hầu như không được sử dụng để đem lại hiệu quả kinh tế nên các chủ trang trại thường không sẵn sàng bỏ chi phí để vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hầm bioga đúng cách. Khảo sát của dự án LCASP cho thấy hầu hết các trang trại chăn nuôi chỉ sử dụng một phần rất nhỏ khí ga sinh ra cho mục đích đun nấu, việc sử dụng khí ga cho mục đích phát điện hết sức hạn chế vì hiệu quả kinh tế thấp.
Trong bài báo này, chúng tôi trình bày kết quả nghiên cứu về những hạn chế trong áp dụng công nghệ phát điện KSH ở nước ta hiện nay và phân tích hiệu quả kinh tế của đầu tư máy phát điện KSH trong các mô hình của dự án LCASP. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho việc phát triển ứng dụng công nghệ máy phát điện KSH nhằm giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi lợn đang rất nhức nhối ở nước ta hiện nay.