Hội nghị về định hướng và đề xuất xây dựng chính sách quản lý chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam

: Thứ hai - 23/10/2017 10:30  |  Đã xem: 1937
Ngày 17/10/2017, Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức Hội thảo “Định hướng và đề xuất xây dựng các chính sách về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam” tại thành phố Hạ Long. Hội nghị thu hút sự tham gia của các đại biểu từ 24 đơn vị có liên quan đến từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ NN & PTNT, các hiệp hội, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp và các chuyên gia tư vấn, các cán bộ nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các phóng viên truyền hình, báo chí trong nước. Hội nghị đã đưa ra những kết luận, đề xuất quan trọng liên quan đến các quy định và chính sách cho quản lý chất thải chăn nuôi.
Các thành viên tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Các thành viên tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
HỘI NGHỊ
ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CÁC CHÍNH SÁCH VỀ QUẢN LÝ TOÀN DIỆN CHẤT THẢI CHĂN NUÔI
PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM

Trong những năm gần đây, Ngành Chăn nuôi tại Việt Nam phát triển mạnh theo xu hướng tăng cường thâm canh với quy mô lớn. Theo số liệu thống kê  (2016) ước khoảng 88 triệu tấn chất thải chăn nuôi, trong đó chất thải từ lợn, gia cầm và gia súc tương ứng 30,1%, 30% và 38,4% và chất thải từ các động vật khác chiếm 1,5%.  Số hộ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi năm 2016 mới chỉ đạt khoảng 53% (2,2 triệu hộ).

Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về ô nhiễm môi trường chăn nuôi và đã có một số phát hiện quan trọng sau: (i) Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng là do các trang trại sử dụng nhiều nước trong quá trình làm vệ sinh chuồng trại và tắm rửa gia súc làm cho chất thải lỏng và các chất thải rắn hòa tan vào nước không thể thu gom được xả trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các hầm khí sinh học) xuống nguồn nước; (ii) Các hầm bioga quy mô nhỏ đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường bền vững trong xử lý chất thải chăn nuôi, trong khi đó, các hầm bioga quy mô vừa và lớn bộc lộ nhiều hạn chế trong xử lý môi trường và không bền vững; (iii) Chất thải chăn nuôi rắn và lỏng là nguồn phân bón hữu cơ rất có giá trị nhưng chưa được các cấp chính quyền và người dân quan tâm; (iv) Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT hiện nay quá cao so với công nghệ xử lý môi trường hiện tại, dẫn đến hầu hết các trang trại đều không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quy chuẩn, nhất là với các hộ và nông trại chăn nuôi; (v) Cần phải có chính sách và công nghệ phù hợp nhằm khuyến khích các chủ trang trại sử dụng chất thải chăn nuôi cho trồng trọt.

Kết quả từ báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng cho thấy sau gần 20 năm triên khai thực hiện cả nước có khoảng  467.231 công trình KSH ở các quy mô khác nhau (trong đó bộ NNPTNT quản 248.284 công trình)  đã được xây dựng,  đóng góp rất lớn cho giảm phát thải KNK (ước khoảng 3,18 triện tấn CO2-e/năm). Việc sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải rắn chăn nuôi hiện tại còn quá nhỏ lẻ. Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, nhưng trong đó hơn 90% là phân bón vô cơ (phân bón hữu cơ chỉ chiếm xấp xỉ 1 triệu tấn) ảnh hưởng xấu đến môi trường. Để thực hiện cam kết giảm phát thải KNK giai đoạn 2021-2030 bằng nguồn lực quốc gia (8%) thì chúng ta cân xây dựng thêm 300.000 công trình KSH (A1) để giảm khoảng 1,92 triệu tấn CO2-e. Với sự hỗ trợ quốc tế thì có thể xây dựng thêm 500.000 công trình KSH (A1) để giảm khoảng 3,17 triệu tấn CO2-e và tái sử dụng 20 triệu tấn phân làm làm phân bón hữu cơ, giảm 3,4 triệu tấn CO2-e.

Hội nghị đã đề xuất một số quy định và chính sách sau:
CÁC QUY ĐỊNH ĐỀ XUẤT:
1. Cần có quy định không cho các trang trại chăn nuôi xả nước thải chăn nuôi xuống nguồn nước. Thay vào đó, các trang trại chăn nuôi cần có diện tích trồng trọt liên kết đủ lớn để có thể sử dụng hết nước thải chăn nuôi/ nước thải sau bioga cho tưới cây trồng.
2. Cần có quy định không cho các trang trại làm các hầm bioga quy mô lớn khi chưa có kế hoạch sử dụng hết khí ga.
3. Cần có quy định cho các trang trại phải có các thiết bị và hạ tầng ủ phân compost nhằm sử dụng chất thải rắn, lỏng để sản xuất phân bón hữu cơ nguyên liệu ngay tại trang trại.

CÁC CHÍNH SÁCH ĐỀ XUẤT:
1. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sử dụng nước thải chăn nuôi tưới cho các cây trồng khác nhau, công nghệ ủ phân compost quy mô vừa và lớn, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thương mại từ chất thải chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, các công nghệ sử dụng khí sinh học cho mục đích dân sinh, ...
2. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ thu gom chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ nguyên liệu nhằm kích thích hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi.
3. Cần xem xét điều chỉnh QCVN 62-BTNMT cho phù hợp hơn với điều kiện sản xuất thực tế.
4. Cần tiếp tục hỗ trợ làm hầm bioga quy mô nhỏ nhằm cải thiện sinh kế, môi trường cho người nghèo đồng thời đóng góp vào mục tiêu của Cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam NDC từ nay đến 2030.

MỘT SỐ TÀI LIỆU HỘI THẢO: 
1. Bài trình bày của TS. Nguyễn Thế Hinh
2. Bài trình bày của TS. Tống Xuân Chinh
3. Bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ
4. Bài trình bày của PGS.TS. Bùi Bá Bổng
5. Bài trình bày của TS. Trần Đại Nghĩa
6. Bài trình bày của ThS. Phương Dinh Anh


7. BÁO CÁO LÃNH ĐẠO BỘ VỀ KẾT QUẢ HỘI NGHỊ (Ngày 20/11/2017)

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI THẢO
ỀTRYG
Hội nghị thảo luận sôi nổi
 
fghfh
Chuyên gia quốc tế phát biểu ý kiến
 
rểtgtr
PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ trình bày hội thảo
rtyyui
Các thành viên chủ chốt tham gia hội nghị chụp ảnh lưu niệm




 

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thế Hinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây