Cú hích cho bò thịt
Theo Cục Chăn nuôi, đàn bò của cả nước những năm gần đây chỉ biến động xung quanh từ 5,2 đến 5,4 triệu con. Thị trường trong nước luôn trong tình trạng “khát” thịt bò khiến cho đàn bò thịt của Việt Nam biến động mạnh nhất trong các nước khu vực.
Bộ NN-PTNT sẽ quyết liệt tăng bằng được đàn trâu, bò.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trong khi chăn nuôi lợn đang cần phải hãm lại thì thị trường bò thịt trong nước hiện nay còn rất mênh mông. Chăn nuôi bò cũng ít rủi ro về thị trường, kể cả khi thị trường xuống thấp vẫn không có nhiều tác động tức thời. Tăng nhanh đàn bò thịt trong nước đang là giải pháp để bù đắp cho sự thiếu hụt thịt bò trong nước.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân kiến giải, để tăng nhanh được sản lượng thịt bò nội địa, thời gian tới, sẽ phải tập trung cho một số giải pháp. Một là về Sind hóa, hiện đàn bò nội địa mới chỉ có khoảng trên 50% được Sind hóa, cần tiếp tục có đột phá thụ tinh cải tạo bằng các giống bò tốt. Hiện năng lực SX tinh dịch bò đực giống trong nước bình quân mới chỉ khoảng 1,2 triệu liều (cộng với lượng tinh bò thịt NK hàng năm khoảng 1,3 triệu liều/năm nữa).
Tuy nhiên, trong chiến lược đáp ứng nhu cầu thịt bò trong nước tới năm 2020, đàn bò thịt sẽ phải tăng được ít nhất từ khoảng 4,5 triệu con hiện nay lên khoảng 7 triệu con, cung cấp giết thịt khoảng 3 triệu con/năm cho thị trường. Điều này có nghĩa ngoài lượng tinh NK, trong nước sẽ phải nâng sản lượng tinh SX từ khoảng 1,2 triệu liều/năm hiện nay lên khoảng từ 1,5 đến 1,7 triệu liều trong thời gian tới.
Để cụ thể hóa chiến lược này, năm 2016, Bộ NN-PTNT đồng ý tiến hành nâng cấp năng lực SX cho Trạm Nghiên cứu và SX tinh đông lạnh Moncada (gọi tắt là Moncada, thuộc Trung tâm Gia súc lớn Trung ương). Tính toán, nếu phát huy hết khả năng, trung tâm này có thể SX tinh bò đủ cung cấp cho cả khu vực Đông Nam Á với công suất khoảng 2 triệu liều/năm.
Năm 2016, Bộ NN-PTNT đã đồng ý đầu tư nâng cấp hệ thống máy SX tinh đông lạnh hiện đại nhất thế giới cho Moncada, đã bắt đầu đi vào vận hành. Hiện Moncada đã có khoảng 60 bò đực giống tốt, tuy nhiên để đáp ứng năng lực SX đáp ứng cho nhu cầu trong nước, sẽ cần thêm khoảng 30 bò đực giống nữa (dự kiến sẽ bổ sung thêm 10 con vào năm 2018).
Theo Cục Chăn nuôi, trong 3-4 năm tới, Moncada sẽ cố gắng ổn định số lượng bò đực giống khoảng 100 con, chủ yếu là các giống bò thịt chất lượng, năng suất cao của thế giới, nâng năng lực SX lên khoảng 1,5 đến 1,7 triệu liều tinh. Đây là cơ sở để kỳ vọng đàn bò thịt nội địa sẽ có bước nhảy vọt trong thời gian tới.
Khôi phục đàn trâu
Thực trạng về đàn trâu những năm qua có lẽ là bức tranh u ám nhất của ngành chăn nuôi, khi mà tính tới năm 2016, tổng đàn trâu cả nước thường xuyên có mặt chỉ khoảng 2,5 triệu con, gần như không tăng qua các năm, thậm chí một số năm giảm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thịt trâu trong nước lẫn nhu cầu XK trâu đang ngày càng tăng chóng mặt khiến trâu thịt luôn “cháy hàng”.
Đàn trâu cả nước nhiều năm qua “dậm chân tại chỗ”
Việc cải tạo đàn trâu trong nước gần như dậm chân tại chỗ. Một số đơn vị hiếm hoi trong nước có nghiên cứu về trâu như Trung tâm Phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi, đóng tại Thái Nguyên), Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé (Bình Dương) rơi vào bệ rạc, chỉ còn ít ỏi giống trâu Murrah chất lượng đã xuống thấp.
Trước thực trạng buồn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Viện Chăn nuôi bằng mọi cách phải xốc lại bằng được đàn trâu, có giải pháp quyết liệt, cụ thể để tăng tổng đàn trên cơ sở đẩy mạnh thu hút xã hội hóa và đầu tư tư nhân, ít đầu tư ngân sách nhà nước nhất.
Theo Bộ trưởng, hiện tại, một số DN tại miền núi như Hòa Bình đã có cơ sở vật chất rất tốt để SX trâu giống và rất thiết tha tâm huyết với chăn nuôi trâu. Bộ trưởng chỉ đạo Cục Chăn nuôi khẩn trương phối hợp, giúp DN này trong việc tháo gỡ khâu quy hoạch vùng nuôi, xây dựng đồng cỏ. Đối với việc nghiên cứu cải tạo chất lượng đàn trâu, Bộ trưởng cho biết sẽ có giải pháp nâng cấp, đầu tư cho 2 trung tâm nghiên cứu về trâu tại Thái Nguyên và Bình Dương. Theo đó, tiếp tục rà soát, tìm kiếm các giống trâu tốt nhất trong khu vực, NK về nước để tăng nhanh đàn trâu đực giống phục vụ khâu nhân giống trâu chất lượng cao trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian sớm nhất, sẽ trực tiếp tới thăm và có giải pháp chỉ đạo cụ thể đối với 2 đơn vị nghiên cứu về trâu này. Đối với trạm tinh Moncada, Bộ trưởng đồng ý tiếp tục tăng cường củng cố, đồng thời huy động, khuyến khích các DN có uy tín vào cuộc đầu tư thêm các nhà máy SX tinh đông lạnh để tạo động lực cạnh tranh với cơ sở SX tinh quốc doanh, tăng cường nguồn tinh trâu chất lượng cao, bởi cả nước hiện chưa có DN nào đầu tư vào lĩnh vực này.
Được biết vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã đồng ý cho Trung tâm Phát triển chăn nuôi miền núi NK khoảng 30 con trâu đực giống chất lượng cao (trọng lượng trưởng thành từ 1,2 tấn/con) từ Thái Lan để thúc đẩy cải tạo cho đàn trâu tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (dự kiến sẽ NK về nước trong tháng 2/2017).
Một tín hiệu sáng nữa đó là trong năm 2016, lượng tinh trâu tiêu thụ trên thị trường đã có bước tăng đột biến lên mức khoảng 14 nghìn liều, tăng 5 lần so với mức bình quân hàng năm. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường thịt trâu đang rất rộng, cũng như người chăn nuôi đang rất chú trọng vào chăn nuôi trâu.
“Nhập khẩu trâu đực chất lượng cao về nhảy trực tiếp cho trâu cái trong nước sẽ là giải pháp có thể cải tạo và tăng nhanh đàn trâu trong nước. Bởi cả nước hiện có hơn 1 triệu trâu cái, nhu cầu hàng năm cho thụ tinh nhân tạo vào tới khoảng 300 nghìn liều. Trong khi mỗi năm chúng ta chỉ có khoảng 20 nghìn liều tinh nên thụ tinh nhân tạo sẽ rất chậm”, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi hiến kế.
Đối với đàn bò thịt, thời gian tới, phải tập trung cao độ để thúc đẩy đàn bò trong nước bằng các giải pháp làm tươi máu, tăng cường NK bò cái giống tốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nhập khẩu bò nái, trên cơ sở lựa chọn đa dạng các bò nái tốt ở nhiều nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung khôi phục lại phong trào Sind hóa đàn bò trong nước, bởi trước đây phong trào này rất mạnh nhưng nhiều năm qua bị bỏ ngỏ. Khơi dậy phong trào Sind hóa là giải pháp tối ưu để tăng nhanh chất lượng đàn bò trong nước.
Để tạo nguồn lực lâu dài cho việc xốc lại đàn trâu, bò, Bộ sẽ giao các đơn vị phải tập trung đào tạo nguồn cán bộ, chuyên gia có trình độ, đủ đáp ứng được cho nghiên cứu, tránh tình trạng khan hiếm chuyên gia có trình độ về lĩnh vực này như thời gian qua.
Bên cạnh cải tạo đàn bò, sẽ có đề tài lưu giữ, duy trì các giống bò bản địa như bò Mông, bò vàng… để củng cố các chuỗi đặc sản chăn nuôi Việt Nam.