Lãng phí hầm biogas cỡ lớn

: Thứ tư - 28/09/2016 10:20  |  Đã xem: 1226
Nếu chỉ dựa vào giải pháp đầu tư hầm biogas cỡ vừa và cỡ lớn, thì chắc chắn môi trường chăn nuôi của Việt Nam vẫn sẽ bị ảnh hưởng.

Hầm biogas không phải là giải pháp tối ưu để giảm lượng phát thải khí nhà kính do chất thải chăn nuôi

Muối giải quyết triệt để chất thải chăn nuôi trong các gia trại, trang trại, cần phải có các giải pháp tổng thể. Nếu chỉ dựa vào giải pháp đầu tư hầm biogas cỡ vừa và cỡ lớn, thì chắc chắn môi trường chăn nuôi của Việt Nam vẫn sẽ bị ảnh hưởng.

Cần một giải pháp tổng thể

Ông Đào Xuân Vinh, PGĐ Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, nhu cầu về hầm cỡ vừa của người chăn nuôi là khá lớn. Đối với các công trình cỡ vừa, người ta có thể xây dựng được bằng gạch theo mô hình hầm liên thông, thể tích mỗi hầm khoảng 100m3 trở lên.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều gia trại, trang trại có nhu cầu sử dụng khí gas để phục vụ đun nấu, phát điện không cao. Khí gas dư thừa được xả thẳng ra môi trường. Đây chính là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Như vậy, không đáp ứng được mục tiêu mà dự án đề ra.

Liên quan đến vấn đề hiệu quả đầu tư của công trình khí sinh học (KSH) cỡ lớn, theo BQL dự án LCASP Bắc Giang, tỉnh đã có nhiều trang trại ứng dụng hầm HDPE. Họ thông qua nhiều kênh tư vấn xây dựng.

“Tôi cho rằng, chăn nuôi quy mô gia trại thì bắt buộc phải có công trình xử lý về môi trường, chất thải chăn nuôi. Vì nuôi hàng ngàn con lợn thì không thải vào đâu cho hết được, đặc biệt là chất thải lỏng. Nếu là chăn nuôi lợn nái, bà con có thể hót phân, vo phân khô để bán. Nhưng chăn nuôi lợn thịt thì họ phải tưới nước, họ xả rửa chuồng suốt ngày, việc thu gom đóng bao rất khó. Nhưng nói rằng xây dựng hầm biogas cỡ lớn có thể xử lý triệt chất thải chăn nuôi của các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì không đúng. Cần phải coi đây là một khâu trong quy trình xử lý chất thải.

Giải pháp sử dụng máy ép phân để sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại các trang trại là khả thi hơn cả. Chúng tôi khảo sát và thấy, giải pháp này được chủ các trang trại chăn nuôi lớn rất là ủng hộ và đón nhận công nghệ nhiệt tình. 10 ông thì cả 10 đều giơ tay hưởng ứng", ông Vinh chia sẻ.

Cũng theo ông Vinh, nếu các trang trại có những chiếc máy đó, họ có thể ép và sản xuất phân với giá rẻ. Không những thế, lợi thế của Bắc Giang là có một vùng cây ăn quả lớn như cam, vải... Bà con vẫn phải mua phân gà, phân trâu ở các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế để bón. Thậm chí nông dân ở Thái Nguyên, Sơn La cũng xuống Yên Thế để mua phân gà. Vì vậy có thể tin chắc rằng nếu ép phân như thế thì sẽ không lo đầu ra. Nhưng, nghi ngại của dân bây giờ là chưa biết cái máy ép phân đó hoạt động có ổn định không và hiệu quả ra sao.

Khi lựa chọn công nghệ ép phân, BQL dự án LCASP Trung ương và tỉnh Bắc Giang cũng tính toán rất kỹ vấn đề này. Thứ nhất, công nghệ lựa chọn cơ bản phù hợp, đảm bảo chất lượng, được nhập khẩu từ các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến.

Hiệu quả lớn, nhưng chưa triệt để.

Hoài Ân (Bình Định) là huyện phát triển mạnh chăn nuôi heo từ năm 2000 đến nay. Hiện ở huyện này có đến gần 12.000 hộ chăn nuôi heo với gần 2.000 gia trại có quy mô nuôi từ 30 con trở lên, 30 trang trại có quy mô nuôi hàng trăm con, thậm chí có những trang trại nuôi cả ngàn con. Những năm trước đây, do phát triển chăn nuôi theo kiểu tự phát, mật độ chăn nuôi dày, không thể kiểm soát được tình trạng ô nhiễm khiến nảy sinh dịch bệnh, heo chết hàng loạt.

“Do hầu hết các hộ chăn nuôi ở Hoài Ân đã ý thức được việc bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng hầm biogas nên đã hạn chế được nạn ô nhiễm. Tôi muốn nhấn mạnh với nhà báo hai từ “hạn chế”, bởi vì nó không phải là “cây đũa thần” có thể xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trang trại, nhất là lượng khí gas dư thừa bị thải ra môi trường sẽ là tác nhân đầu độc không khí”, ông Nguyễn Văn Túc, cán bộ Phòng NN-PTNT Hoài Ân phụ trách dự án LCASP cho biết.

LCASP Sóc Trăng có 4 hợp phần triển khai bao gồm: Quản lý chất thải chăn nuôi, tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học; Chuyển giao công nghệ SX nông nghiệp các bon thấp và Quản lý dự án. Mục tiêu dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 3.600 công trình khí sinh học (KSH) nhỏ, 4 công trình KSH vừa và 1 công trình KSH quy mô lớn và cùng các hạng mục về môi trường với định mức: Hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình KSH quy mô nhỏ; hỗ trợ 10 triệu đồng/công trình KSH quy mô vừa và hỗ trợ 20 triệu đồng/công trình KSH quy mô lớn. Đến nay đầu tư các công trình KSH quy mô nhỏ đa số người dân xác nhận hiệu quả, lợi ích, nhưng đối với công trình KSH quy mô lớn người chăn nuôi hiện còn băn khoăn.

Đối với hiệu quả đầu tư và xử lý môi trường các công trình KSH quy mô lớn, theo ông Nguyễn Xuân Hoan, Giám đốc dự án LCASP Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn Hà Tĩnh chưa triển khai công trình này do Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo BQL dự án LCASP Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh chỉ mới có 2 hộ chăn nuôi quy mô lớn áp dụng mô hình dự án các bon thấp. Vì nhiều trang trại với diện tích lớn, nằm trong khả năng xử lý môi trường. Đồng thời cách xa khu dân cư, ảnh hưởng đến xã hội không lớn nên hiện rất ít người tham gia.

Dù đã đầu tư xây dựng một hầm biogas cỡ vừa 200m3 song trang trại của ông Nguyễn Thế Thuyết (xã Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang)vẫn gây ô nhiễm môi trường

Còn ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, toàn huyện có khoảng 30 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhưng chỉ mới có một gia đình tham gia dự án.

Ông Hiếu bộc bạch: “Trong chăn nuôi ai cũng muốn làm khí sinh học. Nhưng thực tế tại địa phương, dự án chủ yếu là quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình, còn quy mô trạng trại thì rất ít người tham gia. Bởi một phần, các trang trại này xa khu dân cư, có diện tích rộng nên họ cũng đã chủ động xây dựng các hồ chứa nước thải, chất thải, hoặc tự xây hầm. Nếu về chăn nuôi thì cơ bản đã đáp ứng nhưng nếu đúng quy trình về xử lý môi trường thì tất cả không đảm bảo”.

Ông Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên LCASP Nam  Định thì cho biết: “Các trang trại hiện nay chưa đáp ứng về môi trường chăn nuôi. Người dân mong muốn làm nhưng chi phí cao, họ sẽ không mặn mà. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi, người dân tự xây dựng các công trình môi trường ngoài dự án rẻ hơn, nhưng không đảm bảo chất lượng, quy trình, kỹ thuật. Còn áp dụng mô hình của dự án thì đáp ứng tiêu chí môi trường, đúng quy trình, kỹ thuật nhưng chi phí cao, nhưng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn và hỗ trợ còn thấp”.

“Qua điều tra nhu cầu xây dựng hầm biogas cỡ vừa và cỡ lớn tại các trang trại và gia trại trên địa bàn huyện Yên Dũng thấy rằng, hầu hết người dân tỏ ra lo ngại về tuổi thọ của các công trình KSH loại này. Thứ nhất, nếu thiết kế hầm biogas bằng chất liệu HDPE, tuổi thọ của nó không cao, một thời gian lại phải thay bạt. Còn nếu xây bằng gạch, nhiều vị trí nền đất rất yếu, khả năng sẽ xảy ra hiện tượng nứt, thấm. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho hầm biogas gạch không hề nhỏ”, bà Nguyễn Thị Kha, kỹ thuật viên dự án LCASP Bắc Giang, phụ trách địa bàn huyện Yên Dũng chia sẻ.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây