Hiệu quả LCASP, góc nhìn địa phương: Biogas cỡ nhỏ, lợi to

: Thứ hai - 19/09/2016 10:20  |  Đã xem: 1306
Trong 4 hợp phần của dự án LCASP (gồm Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và Quản lý dự án), hoạt động hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hầm biogas cỡ nhỏ...

LTS: Đến nay, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (gọi tắt là LCASP) sử dụng vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2013 - 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường. Một dự án được nông dân ví là “cứu cánh”, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi, khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường đang bủa vây những cánh đồng, chuồng trại gây bức xúc cho xã hội.

Để có được thành quả như hôm nay, ngoài những thuận lợi cơ bản, đội ngũ “chèo lái”, hiện thực hóa ra thực tiễn cuộc sống cũng gặp những trở ngại. Trong loạt bài này, nhóm PV NNVN trở về các tỉnh triển khai dự án LCASP để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và các thành viên của BQL dự án. Hy vọng rằng, những thông tin chúng tôi chuyển tải sẽ là cơ sở dữ liệu hữu ích để dự án đưa ra những định hướng đúng và “cán đích” đúng thời hạn. 

Trong 4 hợp phần của dự án LCASP (gồm Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và Quản lý dự án), hoạt động hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hầm biogas cỡ nhỏ (nhằm giải quyết bài toán chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ, xen lẫn khu dân cư) đang chuyển động về đích. Bởi, hiệu quả mà nó đem lại đã giải tỏa được trăn trở của người chăn nuôi.

Không lo mùi hôi thối

Nếu ai còn nghi ngờ điều đó, hãy nghe chia sẻ của anh Phạm Viên ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Từ nhiều năm qua, thu nhập của gia đình anh dựa vào chăn nuôi heo là chính, chi phí học hành cho 3 đứa con cũng nhờ vào những con heo. Trong chuồng nuôi luôn duy trì 3 heo nái và vài ba chục heo thịt. Vì điều kiện đất đai không có, nên chuồng heo của nhà anh phải xây dựng sát bên cạnh nhà ở. Trước khi xây dựng hầm biogas, cả nhà phải chung sống với mùi hôi suốt ngày đêm, nhưng vì làm ăn nên phải ráng chịu. “Được dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng, vợ chồng tôi bàn bạc chắt bóp chi tiêu để dành dụm thêm 10 triệu đồng để xây dựng hầm biogas. Từ đó, các thành viên trong gia đình cảm thấy khỏe khoắn hẳn lên, bởi không còn phải hít thở mùi hôi cả ngày. Hàng xóm cũng hết phàn nàn vì môi trường chăn nuôi không còn bị ô nhiễm”, anh Viên chia sẻ. Còn ông Đỗ Thành Phương ở thôn Hà Đông, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân) tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp ngành Trồng trọt, nhưng khi lấy vợ ông Phương xây dựng cơ nghiệp bằng nghề chăn nuôi heo. Vì nhà không có lao động nên vợ chồng ông Phương nuôi ít với số lượng 5 heo nái sinh sản và hơn 10 con heo thịt. Tuy nuôi quy mô nhỏ nhưng từ rất sớm, vợ chồng ông Phương đã ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Năm 2005, khi chưa có dự án LCASP hỗ trợ, gia đình ông Phương bỏ ra hơn 4 triệu để xây dựng hầm biogas dung tích 7m3. Thời điểm ấy, số lượng đầu lợn chỉ duy trì khoảng 10 con, lượng phân thải đổ xuống bể phù hợp với khả năng xử lý của công trình. Nhưng vài năm trở lại đây, giá heo thương phẩm cao nên ông tăng đàn, có những cao điểm, số lượng đầu lợn trong chuồng nuôi lên tới vài chục con, vượt quá năng lực xử lý của hầm. Ông Phương đang tính sẽ đăng ký xây dựng hầm biogas theo dự án LCASP để nhận hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng thêm bể biogas, giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường. 

Hết cảnh đổ lén phân heo

Sóc Trăng là một trong 10 tỉnh triển khai dự án LCASP, khi đầu tư các công trình khí sinh học quy mô nhỏ cho thấy có ưu thế vượt trội. Chị Danh Thị Mỹ Tiên ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú cho biết: “Nhà tui nuôi được 6 con bò sữa. Từ khi tham gia “dự án biogas” (tên mà người dân địa phương quen dùng thay thế cho dự án LCASP – PV) tôi thấy có nhiều ích lợi, nhất là tiết kiệm được tiền gas xài cho việc đun nấu trong nhà”. Một bình gas xài chừng 2 - 3 tháng và có khi hơn 1 tháng là hết. Giá mỗi bình gas dao động trong khoảng 300.000 - 320.000 đồng, thậm chí có thời điểm đến 400.000 đồng. Tính ra một năm tiết kiệm được 3 triệu đồng. Điều đáng nói hơn là khí gas từ hầm biogas làm khí đốt đun nấu cho cả nhà không khi nào xài hết. Ngoài ra còn xử lý được môi trường trong lành, không còn mùi hôi khó chịu, ruồi muỗi cũng hết luôn.

Còn hộ chị Lâm Thị Huyền (sinh năm 1970), cùng ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng, khen nức nở: "Có làm biogas rồi mới biết, khỏe lắm, không còn cảnh đi kiếm củi nữa, chỉ cần bật lên là có lửa xài rồi. Tiết kiệm được thời gian để làm việc khác. Đặc biệt mùi hôi mất nên không còn bị bà con hàng xóm than phiền nữa".

Cũng giống như chị Trang, bây giờ anh Quách Nhung ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng đang nuôi 10 con heo nái và hơn chục heo thịt vẫn có thể ăn ngủ ngon lành hơn trước. Anh Nhung nhớ lại cảnh hồi trước anh phải thức canh chờ khi mọi người đi ngủ hết mới dám mò ra để lén đi đổ phân heo. Bây giờ lắp bể biogas rồi có gas xài không hết còn gắn ống dẫn khí sang bếp đun cho người em nhà bên cạnh sử dụng. Hết lo mùi hôi làm phiền hàng xóm, hơn nữa môi trường tốt mọi người trong gia đình sức khỏe tốt, nuôi heo cũng ít bệnh hơn.

Để đánh giá hiệu quả đầu tư xử lý môi trường chăn nuôi của các công trình khí sinh học quy mô nhỏ trong chăn nuôi nông hộ của dự án LCASP tại tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Công Dung, thôn Đan Trung, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà. Năm 2015 gia đình ông được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng bể biogas bằng composite. Sau khi đầu tư thêm 12 triệu đồng ông hoàn thiện hệ thống hầm, bể chứa nước thải đầu vào, đầu ra và đường dây dẫn khí đốt.

“Mỗi lứa tôi nuôi khoảng 20 con lợn là đủ chất đốt sinh hoạt trong gia đình. Công trình biogas đã giúp tôi tiết kiệm được gần 1 triệu đồng tiền gas công nghiệp trong 1 năm. Đặc biệt, khu vực chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, không còn mùi hôi thối”, ông Dung nói.

 “Đòn bẩy” thúc đẩy chăn nuôi

Chị Lại Thị Thi, chủ hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ ở đội 7, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Với 20 con lợn, 4 tháng xuất bán 1 lần, một năm xuất 3 lứa, tính nhẩm một năm chị thu về 100 - 150 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng. Chị tâm sự: “Từ khi có hầm biogas, hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Chất thải từ khu chăn nuôi không còn đổ bừa bãi ra cống rãnh, mương máng nữa, môi trường chuồng nuôi sạch sẽ hơn. Bên cạnh đó, khí biogas dùng trong sinh hoạt rất hiệu quả. Ngày trước gia đình tôi 1 năm dùng 4 bình gas lỏng, nhưng hiện nay có khí biogas, mỗi năm sử dụng chưa đến 2 bình. Bên cạnh đó, khí biogas dùng để nấu nước, nấu cám cho lợn cũng rất nhanh”. Theo chị Thi, trước chưa có hầm biogas, phân lợn chị chỉ dùng để bón ruộng, nước thải được thải thẳng ra kênh mương chung của thôn. Nhưng 2015, khi có nguyện vọng xây hầm biogas, chị được dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng, chỉ bỏ ra 7 triệu để làm hầm biogas có thể tích 7m3. Người phụ nữ này cũng thú thực: “Khi đạt trọng lượng lớn, 20 con lợn thải ra nhiều phân. Tôi biết, chiếc hầm biogas thể tích 7m3 không thể xử lý hết mùi hôi thối vì quá tải. Nhờ kỹ thuật viên của dự án tư vấn, tôi đã xây thêm một bể chứa phân, hằng ngày hót phân thừa ra đó, rồi trộn lẫn rơm, bùn để ủ phân bón ra ruộng lúa. Hầm biogas chủ yếu xử lý nước thải rửa chuồng kèm một ít bã phân sót lại”. Từ đó, gia đình chị đã giải quyết vấn đề chất thải, nước thải trong chăn nuôi.

Chị Lê Thị Thiết, xóm Núi Ô, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chia sẻ, hầm biogas giống như một “đòn bẩy” giúp gia đình chị mở rộng chăn nuôi nông hộ. Bởi với 4 lợn nái sinh sản, mỗi năm chị có gần 100 con lợn giống để nuôi thương phẩm. Mùi phân, nước thải rất ô nhiễm. Nếu không có công trình khí sinh học thì chắc chắn chuồng trại nhà chị buộc phải đóng cửa. Mặc dù vừa đầu tư xây dựng một hầm biogas dung tích 18,4m3 theo dự án LCASP, nhưng tới đây, chị sẽ đầu tư thêm một hầm tương đương để nhân quy mô chăn nuôi gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

Chung ý kiến như ông Dung, anh Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Gia Ngãi 1, xã Thạch Long cho hay, một năm anh nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa hàng chục con lợn nái, lợn thịt. Trước đây, chất thải của lợn được xả vào một hố chứa xây bằng xi măng, không có nắp đậy, nước chảy lênh láng ra vườn, ruồi nhặng bám đầy chuồng lợn, hầm chứa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là những hôm chuyển thời tiết.

Sau khi dự án các bon thấp triển khai về xã, anh đăng ký tham gia và được hỗ trợ 3 triệu đồng. Hiện công trình của gia đình anh đang hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, không còn chất thải vương vãi ra vườn và khí đốt từ chăn nuôi cũng đảm bảo phục vụ đủ sinh hoạt trong gia đình.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây