Đầu tư 300 triệu đồng xử lý phế phẩm tại các trại nuôi heo

: Thứ ba - 13/09/2016 10:20  |  Đã xem: 1426
Với khoản tiền này, một máy ép phân sẽ giúp các trang trại xử lý dứt điểm vấn đề môi trường - vốn khó giải quyết trong chăn nuôi heo công nghiệp thời gian qua.

Xử lý chất thải đảm bảo môi trường trong nuôi heo là thực trạng nan giải đối với người chăn nuôi. Từ trước tới nay, công nghệ làm hầm biogas luôn được xem là giải pháp tốt nhất và được hầu hết các trang trại chăn nuôi áp dụng. Tuy nhiên, mới đây, một chủ trại heo ở Đồng Nai đã đưa máy ép tách phân vào áp dụng thử cho trại heo 10.000 con.

Theo ghi nhận tại các trại heo ở Đồng Nai, công nghệ mới này bước đầu cho kết quả khả quan. Xuân Bắc 5 (Xuân Lộc, Đồng Nai) là một trang trại lớn, được một nhóm nhà đầu tư xây dựng và hoàn thành vào năm 2014 với quy mô 10.000 con trong 10 khu chuồng kín. Ngay sau khi hoàn thiện, trang trại đã được công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ký hợp đồng thuê trong 15 năm để nuôi heo thịt và heo hậu bị.

Đầu tư khoảng 300 triệu đồng mua máy ép phân đã giúp các chủ trại chăn nuôi giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường, vốn rất khó giải quyết trong chăn nuôi heo công nghiệp.

Theo tính toán, khi nuôi đủ công suất 10.000 con, bình quân mỗi ngày trại Xuân Bắc 5 sử dụng hết 11 tấn thức ăn và thải ra 2 tấn phân cùng với nước thải. Để xử lý toàn bộ lượng chất thải mà đàn heo thải ra mỗi ngày, chủ đầu tư xây dựng hầm biogas lớn, có sức chứa 16.000 m3. Việc đầu tư hầm biogas có công suất đáp ứng với quy mô của trại hiện nay là quá lớn. Trong khi tuổi thọ của công nghệ xử lý chất thải cũng không cao do chưa không thể tách phân, chất thải thường đọng lại dưới đáy hầm làm giảm sức bền của hầm.

Sau một thời gian tìm hiểu, ông Trần Như Nguyện, chủ đầu tư trại heo này đã quyết định lắp đặt và sử dụng thử máy ép tách phân heo ra khỏi nước thải. Với chi phí khoảng hơn 300 triệu đồng.

Theo ông, tuy giá thành cao, nhưng khi sử dụng hệ thống ép tách phân, nước thải không đưa thẳng vào túi biogas mà được đưa vào một bể lắng. Từ bể lắng, nước thải được bơm lên máy ép tách phân. Khi tới màng lọc, phần nước sẽ chảy qua và đi vào túi biogas. Còn phần vật chất khô (phân) thì trượt xuống và được ép nát bằng một mô tơ giảm tốc. Mô tơ này có thể điều chỉnh để ép phân theo những ẩm độ khác nhau và có thể đạt ẩm độ dưới 25% để làm phân bón vi sinh.

Do lượng phân mà đàn heo trong trại thải ra mỗi ngày khác nhau, nên thời gian chạy máy cũng như lượng phân thành phẩm thu được cũng khác nhau. Mỗi ngày, trại sử dụng máy ép tách phân một lần, thời gian chạy máy từ 1-2 giờ, mỗi giờ dùng hết khoảng 15 kw điện. Lượng phân bón tách ra được từ 50-100 bao (mỗi bao 20-25kg) trong ngày tương đương 100-250 tấn.

Với máy ép phân, mỗi ngày trại heo Xuân Bắc 5 (Đồng Nai) có thêm khoản thu nhập trên dưới một triệu đồng nhờ bán phân vi sinh.

Theo đại diện C.P Việt Nam, việc đưa vào sử dụng máy ép tách phân đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế lẫn môi trường. Trước hết, do phân đã được tách ra khỏi nước thải nên giảm hẳn lượng chất lắng trong túi biogas, qua đó làm giảm chi phí nạo vét hầm biogas và tăng tuổi thọ cho hầm.

Bên cạnh đó, cũng nhờ phân đã được tách khỏi nước thải nên trang trại có thể giảm thể tích hầm biogas, tiết kiệm được đáng kể về chi phí xây dựng hầm. Nguồn phân tách ra khỏi nước thải rất được các cơ sở sản xuất phân vi sinh ưa chuộng vì phân đã được ép nát vụn như bột. Với giá bán bình quân 15.000 đồng mỗi bao, mỗi ngày, trại Xuân Bắc 5 đang thu về 750.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.

"Nhu cầu sử dụng phân heo làm phân vi sinh là rất lớn, đây là phụ phẩm có thể đem lại thu nhập cho các trại nuôi heo ngoài việc giải quyết được vấn đề môi trường", C.P Việt Nam cho hay.

Không chỉ trại heo Xuân Bắc, hiện có khoảng 30 trại heo hậu bị, heo thịt tại địa phương mạnh dạn đầu tư máy ép tách phân này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây