Hầm biogas công nghệ phủ bạt đang được áp dụng tại trang trại chị Mến
Nhiều trang trại chăn nuôi đã được đầu tư xây dựng hầm biogas, nhưng không thể xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Các chủ trại chia sẻ rằng, hầm biogas chỉ là một khâu quan trọng trong quy trình xử lý chất thải chăn nuôi bên cạnh các giải pháp khác.
Cần nâng mức hỗ trợ xây hầm biogas cỡ lớn Ông Nguyễn Văn Kim, quản lý trang trại chăn nuôi của Cty TNHH MTV Tịnh Toàn ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho rằng, dự án hỗ trợ xây dựng công trình biogas quy mô vừa của dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đang phát huy hiệu quả rất tốt. Trang trại của Cty có quy mô 4.000 con lợn thịt/lứa. Việc đầu tư hệ thống công trình bảo vệ môi trường được Cty đặc biệt quan tâm. Vừa qua được sự hỗ trợ của dự án Cty xây dựng thêm một hầm biogas, chất đốt từ hầm biogas này phục vụ sinh hoạt cho công nhân trong trang trại, mỗi tháng tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng tiền mua gas công nghiệp. “Tuy nhiên, để giúp các trang trại quy mô lớn bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, dự án nên nâng mức hỗ trợ công trình xây dựng và hỗ trợ thêm các hạng mục khác trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, rất có thể, nếu khuyến khích nông dân xây hầm biogas cỡ lớn, trong khi nhu cầu khí đốt của các trang trại không cao, khí gas dư thừa thải ra môi trường sẽ có tác động xấu”, ông Kim bày tỏ. Đối với hiệu quả đầu tư và xử lý môi trường các công trình khí sinh học quy mô lớn, nhiều nông dân ở Hà Tĩnh không mặn mà triển khai công trình này. Nguyên nhân một phần là do mức hỗ trợ của dự án LCASP khá thấp so với giá trị của công trình và chưa có hướng dẫn cụ thể. Họ có xu hướng xây dựng các công trình quy mô cỡ nhỏ, cỡ vừa nhiều hơn, bởi chi phí đầu tư để xây dựng chuồng trại và con giống, thức ăn… cho một trang trại khá nhiều tiền. Việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi thường được cải thiện dần dần, khi chủ trang trại đã thu được một nguồn lợi nhuận nhất định. Ông Châu Minh Đức, 66 tuổi, thương binh 2/4, chủ trang trại nuôi heo ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho rằng, hiệu quả từ công trình khí sinh học trong chăn nuôi là hết sức cần thiết để bảo vệ môi trường xanh, sạch. Điều này thấy rõ với những công trình quy mô nhỏ phù hợp chăn nuôi nông hộ. "Đối với chăn nuôi quy mô lớn, tổng đàn heo nái trên 100 con như của trang trại tôi, phải dự trù làm hầm khí sinh học dung tích khoảng 60m3. Ban Quản lý dự án LCASP Sóc Trăng đang khảo sát và tính toán kinh phí để vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Song, đối với công trình khí sinh học lớn thì gia đình sử dụng khí gas không hết. Nguồn khí dư thừa nếu muốn phát huy hiệu quả phải đầu tư thêm một số công trình phụ, cần thêm vốn đầu tư. Chẳng hạn như máy phát điện, nhưng loại máy phát điện đánh lửa gặp khí sinh học có phần lẫn tạp chất nên dễ bị đóng khói, máy chạy không bền", ông Đức chia sẻ.
Người dân chưa mặn mà Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh Bình Định, hiện nay đã một số gia trại, trang trại chăn nuôi trên địa bàn chưa mặn mà tham gia dự án để xây dựng các công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn.
Nếu không sử dụng hết khí ga, hầm biogas HDPE cỡ lớn có thể là tác nhân gây ô nhiễm môi trường
Bởi lẽ, mức hỗ trợ quá thấp, chỉ 10 triệu đồng cho 1 công trình quy mô vừa và 20 triệu đồng cho 1 công trình quy mô lớn. Trong khi đó, xây dựng 1 công trình quy mô vừa và lớn phải mất khoản kinh phí từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Do mức hỗ trợ so với chi phí như “muối bỏ bể”, nên dù ngành chức năng hướng dẫn hộ chăn nuôi tham gia xây dựng công trình quy mô vừa và lớn trong khuôn khổ dự án nhưng họ vẫn lơ là, không tham gia.
Tuy nhiên, có thực tế là một số gia trại, trang trại dù không nhận hỗ trợ về tài chính của dự án nhưng vẫn bỏ tiền túi ra xây dựng các công trình khí sinh học vừa và lớn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, họ không được hướng dẫn kỹ thuật nên công trình không đúng quy chuẩn, cũng như không được hướng dẫn cách sử dụng. Dù đã có hầm biogas nhưng trang trại vẫn gây ô nhiễm. “Chăn nuôi quy mô trang trại không chỉ xây dựng công trình khí sinh học quy mô lớn mà còn phải xây dựng hồ sát trùng, bể lọc, hồ sinh thái theo chuỗi, liên kết từ trong chuồng ra đến môi trường thì mới có thể đảm bảo được môi trường chăn nuôi”, ông Đào Văn Hùng, GĐ Ban Quản lý dự án LCASP Bình Định cho biết thêm.
Được đầu tư quy mô, hiện đại với diện tích 4ha, trang trại của chị Nguyễn Thị Mến ở thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) vẫn băn khoăn, lo lắng về vấn đề môi trường chăn nuôi.
“Trang trại tôi đầu tư tới 3 bể biogas, trong đó bể lớn nhất 300m3. Ngoài ra chúng tôi còn đầu tư hệ thống các bể lắng chất thải, nước thải rồi mới cho vào các hồ điều hòa môi trường, thả bèo vào. Thế nhưng, nó cũng chỉ mới tạm ổn thôi, vì lượng phân thải, nước thải mỗi ngày xả ra hàng tấn.
Với lượng phân, nước thải lớn như thế này, không thể cho tất cả vào hầm bioga để làm khí sinh học. Hiện tại chúng tôi cũng đang dư thừa khí, không biết dùng vào việc gì, rất lãng phí. Để khắc phục, chúng tôi dùng máy tách phân, một phần đưa vào hầm biogas, phần còn lại bán cho những người dân trồng cây ăn quả, hoa màu…
Bên cạnh đó, trồng thêm cây xanh xung quanh trang trại vừa tạo không khí trong lành, vừa ngăn tiếng ồn, mùi hôi thối, hấp thụ các chất ô nhiễm... Khó khăn nhất vẫn là vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư hiện đại máy móc, công nghệ môi trường, cũng như mở rộng quy mô chăn nuôi”, chị Mến tâm sự.
Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi lợn quy mô 150 lợn nái và hơn 1.000 lợn thịt của ông Nguyễn Thế Thuyết ở thôn Ninh Xuyên, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Băc Giang). Hiện tại, trang trại đã đầu tư hệ thống hầm biogas thể tích 200m3. Tuy nhiên, vì lượng phân thải quá lớn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất nhiều hộ dân xung quanh đã phản ánh lên chính quyền địa phương. Nếu không có biện pháp khắc phục, chắc chắn diện tích đất thầu khoán của ông sẽ bị thu hồi vì gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình đó, ông đã sử dụng một cái ao trong khuôn viên để thải bã thải (sau khi đã được xử lý qua hầm biogas) và trồng bèo tây có diện tích 5 sào. Tình hình có cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được mùi hôi. Ông tiếp tục sử dụng thêm 1 chiếc ao rộng 1,5 mẫu để làm bể lắng. Vì nguồn nước không đảm bảo chất lượng, chỉ có những con cá trê phi mới có thể sống.
Mỗi năm, ông Thuyết phải bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để thuê người hút hết lượng bã thải trong hầm biogas và ao. Một chi phí khá lớn, và chắc chắn nó sẽ khiến lợi nhuận của người chăn nuôi giảm sút.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thuyết thẳng thắn chia sẻ rằng, nếu như lực lượng quản lý môi trường kiểm tra, chắc chắn hệ thống xử lý môi trường của ông chưa đảm bảo. Ở huyện Yên Dũng, đã có nhiều trang trại bị xử phạt vì ô nhiễm môi trường. Ví dụ, trước đây có nhà ông Trúc bị phạt 70 triệu đồng. Số tiền phạt nặng quá, ông phải từ bỏ nghề chăn nuôi.
"Khi biết thông tin dự án LCASP sẽ triển khai mô hình sử dụng máy ép phân để sản xuất phân vi sinh, tôi rất mừng. Nếu được tham gia mô hình này, tôi có kế hoạch hợp tác với một số chủ ruộng có nhiều đất sản xuất rau sạch tại địa phương để cung ứng phân vi sinh cho họ", ông Thuyết nói.