Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

: Thứ năm - 08/09/2016 10:20  |  Đã xem: 1363
Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

- Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

- Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,... Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

- Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây