Phát triển mô hình VAC nhờ dự án hầm khí biogas

: Thứ ba - 22/11/2016 10:20  |  Đã xem: 1474
Nhờ tham gia vào dự án LCASP, sử dụng hầm khí sinh học biogas trong chăn nuôi, gần một năm nay ông Nguyễn Văn Định, thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ sang quy mô trang trại. Từ đó, gia đình có điều kiện phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Định (áo xanh) cùng kỹ thuật viên dự án LCASP huyện kiểm tra bể xử lý chất thải.

Nuôi lợn đã hơn 20 năm nay với quy mô khoảng 20 con, tháng 2-2016, sau khi được tuyên truyền về lợi ích của hầm khí sinh học biogas thuộc dự án LCASP, gia đình ông Nguyễn Văn Định đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hầm khí KT1, thể tích 38,1m3, được hỗ trợ 3 triệu đồng từ dự án. Thấy rõ hiệu quả từ hầm khí biogas mang lại, ông tiếp tục phát triển đàn lợn lên 70, rồi 120 con.

Hiện nay, chất thải từ chăn nuôi không chỉ giúp gia đình có nguồn chất đốt mà còn tạo ra phân hữu cơ sạch dùng tưới và bón cho hơn 2 ha cây ăn quả như: Nhãn, cam, quất, bưởi… Ông cho biết, từ khi bón đến nay, cây hấp thụ tốt, chống được rất nhiều sâu bệnh, năng suất cao và đặc biệt tiết kiệm hàng chục triệu đồng để mua lân, đạm so với trước kia.

Đối với hồ rộng 2 ha, ông đầu tư thả hàng chục triệu đồng tiền cá giống. Từ nguồn chất thải ở bể xử lý, ông Định dùng để nuôi cá, vừa không mất tiền mua thức ăn cho cá mà đàn cá sinh trưởng phát triển rất tốt. Kể từ khi có hầm khí sinh học biogas, môi trường xung quanh nhà ông cũng được bảo đảm, chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, ít tốn công lao động.

Gia đình ông Định phát triển mô hình VAC đạt hiệu quả cao từ hầm khí biogas.

Chia sẻ niềm vui này, ông Định cho biết: “Đối với tôi, việc lựa chọn hầm khí biogas để phát triển kinh tế gia đình là lựa chọn sáng suốt. Với quy mô chuồng trại của gia đình, tôi thấy việc sản xuất thuận lợi hơn. Trước đây, muốn làm được mô hình như bây giờ phải có ít nhất hai người. Nhưng hiện tại, một mình tôi cũng có thể vừa chăn nuôi lợn lại chăm sóc cây trồng, nuôi cá được”.

Sau gần 1 năm sử dụng hầm khí sinh học biogas, ông Định cho biết năm nay hiệu quả từ đàn lợn, cá, cây ăn quả sẽ có năng suất chất lượng tốt hơn và hứa hẹn một mùa bội thu. 

Đánh giá về hiệu quả của dự án LCASP với hầm khí sinh học biogas trên địa bàn, anh Thân Văn Hiển, kỹ thuật viên dự án LCASP huyện Yên Thế cho biết: Qua thực tế thăm quan mô hình VAC của gia đình ông Định nói riêng và nhiều hộ dân đang sử dụng hầm khí biogas để phát triển kinh tế, có thể thấy hiệu quả cao, người dân rất phấn khởi. Môi trường chăn nuôi trên địa bàn trong lành, giúp bà con tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/năm. Dự án đã thực sự đi vào lòng nhân dân, đem lại đoàn kết cộng đồng. Mong rằng dự án sẽ nâng mức hỗ trợ để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn.

Từ những hiệu quả của dự án LCASP, hy vọng thời gian tới nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng và toàn tỉnh nói chung sẽ tiếp cận với hầm khí sinh học biogas, có cơ hội mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển mô hình VAC hiệu quả như gia đình ông Nguyễn Văn Định.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây