Nam Định - Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn

: Thứ ba - 22/11/2016 10:20  |  Đã xem: 1440
Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết xử lý không đúng kỹ thuật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 20% tổng số trang trại, gia trại chăn nuôi được xây dựng tại các khu tập trung, còn lại chủ yếu nằm gần hoặc xen kẽ khu dân cư. Tổng đàn lợn của tỉnh

Xây dựng công trình bi-ô-ga tại một hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Trước thực trạng này, tỉnh đã quy hoạch được 139 vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết vấn đề chất thải chăn nuôi vì sự phát triển bền vững. Từ tháng 10-2013, Sở NN và PTNT thực hiện dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ trên toàn tỉnh với mục tiêu cải thiện hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi, tăng cường sử dụng phế, phụ phẩm chăn nuôi để tạo nguồn năng lượng sạch và phân bón hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ban quản lý dự án (BQLDA) đã phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh, huyện tuyên truyền, tạo điều kiện cho nhiều người chăn nuôi nắm bắt thông tin về dự án. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các địa phương tổ chức hội nghị, lồng ghép trong các hội nghị của địa phương và các tổ chức đoàn thể để thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia dự án tới người chăn nuôi, lãnh đạo các địa phương từ tỉnh tới thôn, xóm. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền rất nhiều hộ chăn nuôi đã tiếp cận được với dự án, giúp họ khắc phục khá tốt vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, hơn nữa còn làm tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình nhờ tiết kiệm chi phí chất đốt. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, dự án LCASP đã hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi xây dựng 3.465 công trình bi-ô-ga, đưa tổng số công trình bi-ô-ga trên địa bàn tỉnh lên 12 nghìn công trình. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 3.000 người chăn nuôi trong việc vận hành công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo môi trường. Ông Trần Công Lộc, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn cho biết: “Chuồng lợn của tôi thường nuôi mỗi lứa 60-70 con, nếu không có hầm bi-ô-ga xử lý chất thải thì ô nhiễm môi trường trầm trọng. Khi được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng, tôi đã đầu tư thêm 9 triệu đồng để xây hầm bi-ô-ga thể tích 9m3. Chất thải của lợn đều được đưa xuống hầm bi-ô-ga nên không bốc mùi hôi. Nước thải đã qua xử lý hầm bi-ô-ga được tái sử dụng để tưới cho cây trồng; cặn bã từ hầm bi-ô-ga cũng là một loại phân hữu cơ vi sinh rất tốt nên tôi không phải mua phân hóa học bón cho cây trồng. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục đầu tư xây thêm 4 hầm bi-ô-ga nữa, nâng tổng sức chứa lên 45m3 để xử lý hết lượng chất thải của số lợn hiện tại. Nhờ có hầm bi-ô-ga, từ đó đến nay, chuồng trại của tôi luôn sạch sẽ, bà con không còn phàn nàn nữa. Ngoài ra, vườn cây ăn quả nhà tôi chỉ tốn ít tiền mua phân bón lúc cây ra hoa kết quả”. Ngoài hiệu quả khi tiết kiệm được phân bón, lượng khí sinh ra từ hầm bi-ô-ga còn được gia đình ông Lộc sử dụng để nấu ăn. Theo tính toán của ông Lộc, bình quân gia đình ông sử dụng gas để nấu ăn thì phải tốn khoảng 150 nghìn đồng/tháng. Khi xây dựng hầm bi-ô-ga, gia đình ông mỗi năm tiết kiệm được 1,8 triệu đồng tiền gas. Không những thế lượng khí nhiều, gia đình ông sử dụng không hết nên ông còn giúp cho bà con gần nhà có nhu cầu đầu tư ống dẫn khí về sử dụng. Cũng như ông Lộc, nhiều nông dân đã xây dựng và sử dụng hầm bi-ô-ga khi được dự án hỗ trợ như các ông: Trần Trọng Vụ, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Phạm Sỹ Tiến, xã Hoành Sơn (Giao Thủy); Nguyễn Văn Toàn, xã Hải Anh (Hải Hậu)… tỏ ra phấn khởi vì được lợi nhiều thứ. “Chi phí mua gas, tiền phân để bón cho hơn 1 mẫu cây trồng, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 15-20 triệu đồng cho các khoản đó. Đó là chưa kể đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi” - Chị Vũ Thị Hạnh, xã Hải Tân (Hải Hậu) chia sẻ. Anh Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên dự án cho biết: Từ khi triển khai thực hiện, dự án LCASP đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tạo cảnh quan sạch, đẹp. Đồng thời tạo ra nguồn năng lượng khí sinh học phục vụ sinh hoạt hằng ngày; góp phần giải phóng sức lao động cho phụ nữ và trẻ em khi không phải dùng rơm, rạ, trấu và kiếm nhiên liệu để đun nấu. Tận dụng nguồn phân hữu cơ sinh học từ nước thải và bã thải bi-ô-ga trong trồng trọt giúp cải tạo đất do đã sử dụng nhiều phân vô cơ. Do xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi nên đã hạn chế kiện tụng mâu thuẫn giữa người chăn nuôi và dân cư xung quanh góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng các công trình bi-ô-ga, dự án LCASP còn mở 25 lớp tập huấn cho 750 hộ dân các biện pháp ủ phân trong trường hợp lượng chất thải vượt quá khả năng xử lý của công trình khí sinh học hoặc đối với các hộ chưa có công trình khí sinh học. Chị Nguyễn Thị Nhài, xã Hải Sơn (Hải Hậu) cho biết: Qua lớp tập huấn, tôi được hướng dẫn cả về lý thuyết và thực hành các biện pháp xử lý chất thải ngoài công trình khí sinh học. Điều này đã giúp tôi phần nào giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi của gia đình gây ra. Đồng thời tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, giảm việc sử dụng phân vô cơ làm chai đất. Trong chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các-bon thấp, dự án đã mở 20 lớp đào tạo cho 588 người, gồm cán bộ khuyến nông huyện, xã và các hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như: ủ phân compost, nuôi giun quế... đây sẽ là đội ngũ hạt nhân tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn lại cho các hộ chăn nuôi khác cùng áp dụng.

Sau 3 năm thực hiện, dự án LCASP với sự ủng hộ của UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, đoàn thể và người chăn nuôi nên đã phát huy hiệu quả tích cực. Ý thức của người chăn nuôi thay đổi, nâng cao nhận thức về yêu cầu phát triển kinh tế gia đình gắn với xử lý tốt chất thải, bảo vệ môi trường. Theo kế hoạch dự án kết thúc vào tháng 6-2019, sẽ hỗ trợ tài chính xây dựng 4.700 công trình sinh học; xây dựng 1-2 mô hình trang trại chăn nuôi các-bon thấp theo hướng VietGAP đạt tiêu chuẩn; xây dựng 9-10 mô hình thí điểm trình diễn về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và giảm phát thải khí nhà kính… Qua đó sẽ góp phần giúp tỉnh xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây