Phát triển phân bón hữu cơ từ thay đổi phương thức sử dụng nước trong chăn nuôi lợn

: Thứ năm - 22/08/2019 10:02  |  Đã xem: 970
Phân lợn là nguồn phân chuồng quý giá đã được nông dân Việt Nam sử dụng để bón cho cây trồng từ hàng trăm năm qua.
 
08 26 25 3
Nuôi lợn ứng dụng công nghệ chuồng sàn.
 

Theo số liệu công bố của Viện Chăn nuôi, phân lợn có thành phần chất khô là 33,8%, đạm tổng số là 0,669%, lân tổng số là 0,546% và kali tổng số là 0,991% (Vũ Chí Cương, 2013).

Trung bình một con lợn thải ra 2,5 kg phân và 5 lít nước tiểu/ngày thì với đàn lợn là 26,42 triệu con (số liệu thống kê năm 2018) sẽ có 24,1 triệu tấn phân và 48,2 triệu m3 nước tiểu trong một năm.

Như vậy, chỉ tính riêng chất thải chăn nuôi lợn năm 2018 đã cho 8,1 triệu tấn vật chất hữu cơ, 0,16 triệu tấn đạm, 0,13 triệu tấn lân và 0,24 triệu tấn kali.

Đây là một nguồn phân bón hữu cơ có giá trị kinh tế cao có thể thay thế được phần lớn lượng phân bón hóa học mà nước ta phải nhập khẩu hàng năm là 4,6 triệu tấn với trị giá 1,2 tỷ USD (theo số liệu thống kê năm 2017).

Không biết vì một lý do nào đó mà nông dân Việt Nam đã và đang sử dụng rất nhiều nước trong chăn nuôi lợn thịt. Theo kết quả điều tra của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) năm 2018, trung bình người chăn nuôi sử dụng khoảng 30 lít nước/đầu lợn thịt/ngày để tắm mát lợn và làm vệ sinh chuồng trại, cá biệt có nhiều hộ ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng đến 60 lít nước/đầu lợn/ngày.

Nhiều tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt đều hướng dẫn người dân tắm lợn và làm vệ sinh chuồng trại từ 2-3 lần/ngày. Nhiều trang trại sử dụng bể tắm lợn trong chuồng theo công nghệ chăn nuôi của CP cũng sử dụng khá nhiều nước và xả chuồng khoảng 2 lần/ngày.

Việc sử dụng nhiều nước trong chăn nuôi lợn thịt dẫn đến chất thải chăn nuôi bị hòa loãng, rất khó thu gom và xử lý nên đa số người dân chỉ còn cách trực tiếp xả thải xuống nguồn nước gây ô nhiễm hoặc xả thải gián tiếp ra môi trường thông qua các hầm biogas rất hay bị quá tải do thiết kế, vận hành không đúng cách.

Trong khi đó, hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn thịt ở Đan Mạch và nhiều nước phát triển đã không sử dụng nước để tắm và làm mát lợn từ hàng chục năm nay. Thay vì sử dụng nước, lợn được nuôi trên chuồng sàn có khe thoáng để phân và nước tiểu rơi xuống hầm chứa bên dưới và được làm mát thông qua hệ thống quạt và sử dụng các phương thức làm mát khác không dùng nước tắm lợn.

Thậm chí, các vòi uống nước cho lợn cũng được thiết kế sao cho giảm thất thoát nước tốt nhất. Phân lợn lỏng ở dưới sàn chuồng khi đầy sẽ được hút lên xe bồn và chở đi bơm vào đất để làm phân bón cho cây trồng.

Với mục tiêu tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt nhằm tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, vừa giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi và giảm lây lan bệnh tật thông qua quản lý tốt chất thải chăn nuôi, dự án LCASP đã xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường tại các tỉnh Bắc Giang và Phú Thọ.

Thiết kế chuồng trại theo công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải của dự án LCASP khá đơn giản bao gồm: (i) chuồng sàn bê tông có khe thoáng khoảng 2 cm để phân có thể lọt xuống hầm chứa bên dưới sàn chuồng mà không làm con lợn đau chân; (ii) hệ thống bể chứa phân và các ống dẫn tạo áp lực âm để có thể rút toàn bộ phân lỏng ra bể chứa phân ở bên ngoài chuồng; (iii) hệ thống bể ủ phân compost và máy bơm bùn để bơm phân lợn lỏng lên bể ủ phân.

Chi phí xây dựng một ô chuồng cho 50 lợn thịt theo công nghệ của LCASP khoảng 54 triệu đồng trong khi chi phí xây dựng ô chuồng tương tự theo phương thức chăn nuôi sàn xi măng truyền thống khoảng 30 triệu đồng.

Chi phí đầu tư tăng thêm không nhiều nhưng nuôi lợn theo công nghệ mới của dự án LCASP sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí và mang lại nhiều lợi ích về môi trường và xã hội như sau: (i) lượng nước sử dụng giảm đến 70%; (ii) hầu như không phải thuê nhân công dọn chuồng và tắm lợn ngày 2- 3 lần nữa; (iii) sau 2-3 tháng, từ một ô chuồng 50 lợn cho khoảng 6-7 m3 chất thải lỏng, sau khi ủ với phụ phẩm trồng trọt hoặc than bùn sấy khô sẽ cho khoảng 10 - 12 tấn phân bón hữu cơ chất lượng tốt; (iv) hầu như không có nước thải chăn nuôi xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước và làm lây lan dịch bệnh; (v) đàn lợn nuôi trên chuồng sàn khô ráo hầu như không phải sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa và hô hấp; (vi) đàn lợn nuôi trên chuồng sàn có trọng lượng tăng cao hơn 10 - 15% so với đàn lợn nuôi đối chứng trên sàn xi măng theo phương thức truyền thống.

Thậm chí trong thời gian vừa qua, đàn lợn nuôi theo phương thức truyền thống tại trang trại nhà ông Thành ở Bắc Giang bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi nhưng đàn lợn nuôi theo công nghệ chuồng sàn của dự án LCASP ngay cạnh đó vẫn khỏe mạnh cho đến khi xuất chuồng.

Tóm lại, công nghệ nuôi lợn tiết kiệm nước của dự án LCASP là một công nghệ nuôi lợn tiên tiến trên thế giới đã được chứng minh hiệu quả cao nhưng vì một lý do nào đó mà đến nay vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta.

Việc nhân rộng công nghệ chăn nuôi lợn thịt tiết kiệm nước của dự án LCASP sẽ giúp mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, môi trường và xã hội - vừa thu gom 100% lượng chất thải chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ (nhằm phục vụ mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ của Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp), đồng thời cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở nông thôn và giảm lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi (nhằm phục vụ mục tiêu của Chương trình Nông thôn mới). Đây là một công nghệ cần được Bộ NN-PTNT xem xét và khuyến cáo nhân rộng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây