DA LCASP - Gỡ điểm nghẽn về vốn

: Chủ nhật - 07/05/2017 22:13  |  Đã xem: 1449
Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp cácbon thấp được thực hiện trên cơ sở Hiệp định vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữa Việt Nam và ADB ký ngày 7.3.2013. Dự án gồm 4 hợp phần và có tổng vốn đầu tư 48.170.000 SDR (tương đương khoảng 74 triệu USD). Trong đó nguồn vốn tín dụng là 23.239.000 SDR (tương đương khoảng 32 triệu USD).

Dự án do Bộ NN - PTNT thực hiện tại 10 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2018; thời hạn thực hiện Hợp phần tín dụng của Dự án là 30 năm, trong đó có 8 năm ân hạn. Sau hơn 3 năm triển khai, Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp cácbon thấp (LCASP) đã khẳng định hiệu quả trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, Dự án vẫn chưa tạo sức lan tỏa mà nguyên nhân nằm ở khâu giải ngân vốn.

Nghịch lý khoản vay nhỏ - thế chấp lớn
Báo cáo của Tư vấn Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp cácbon thấp (LCASP) cho thấy, người dân ở 10 tỉnh thực hiện Dự án đều nhận thức được giá trị lợi ích về môi trường và kinh tế mà công trình khí sinh học quy mô nhỏ đem lại. Bởi lẽ đó, chỉ tính từ cuối năm 2015 đến nay, dự án LCASP đã xây dựng, lắp đặt được 26.645 công trình quy mô nhỏ, nghiệm thu 25.138 công trình và đã chuyển tiền hỗ trợ cho 24.539 công trình khác. “Nhưng con số này còn quá ít so với nhu cầu của người dân tại 10 tỉnh tham gia dự án’’ Phó Trưởng BQL các dự án nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) kiêm Giám đốc BQL dự án LCASP Trung ương Nguyễn Thế Hinh. 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến độ “vênh” này được cho là do các định chế tài chính của Dự án chỉ phù hợp cho vay những món vay quy mô lớn, trong khi nhu cầu về các khoản vay quy mô nhỏ (từ 10 - 20 triệu đồng) lại rất lớn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn dự án của những khoản vay quy mô nhỏ rất khó khăn. Bởi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế bảo đảm vốn vay đối với tất cả các ngân hàng thương mại thì “các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận”. Như vậy, theo quy định này, tất cả các khoản vay của khách hàng ở ngân hàng thương mại đều phải nộp sổ đỏ, gây khó khăn cho các hộ gia đình, doanh nghiệp đang có khoản tín dụng trong ngân hàng và đã giao sổ đỏ cho ngân hàng. Số hộ gia đình còn lại thì không muốn bị giữ sổ đỏ chỉ với món vay quy mô nhỏ.

Giải pháp cho “nút thắt” vốn
Một kết quả điều tra khác cho thấy, hiện có khoảng 260.000 hộ chăn nuôi trên 10 con lợn/hộ trên địa bàn 10 tỉnh thực hiện Dự án chưa có công trình khí sinh học đang có nhu cầu được hỗ trợ xây dựng, nhưng không mặn mà với sự hỗ trợ của Dự án LCASP. Để giải quyết vấn đề này, ngày 5.10.2016, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký Biên bản ghi nhớ chấp thuận về nguyên tắc kiến nghị đưa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia vào thực hiện hợp phần Tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học (xây hầm biogas) của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp cácbon thấp.

Theo ADB, NHCSXH có chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố và có mạng lưới rộng khắp cả nước, xuống tận xã, phường, thôn, bản, do vậy rất thuận tiện cho việc giải ngân và phổ biến chính sách của dự án tới các hộ nông dân. Hơn nữa, NHCSXH ủy thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể bao gồm Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để thực hiện một số công đoạn trong quy trình cho vay. Đây chính là lợi thế để thu hút sự tham gia của phụ nữ và nông dân vào dự án giúp cho thông tin tuyên truyền của dự án đến được với người dân.

Đặc biệt, NHCSXH áp dụng quy chế cho vay tài chính vi mô không đòi hỏi có thế chấp bằng sổ đỏ mà chỉ dùng tín chấp thông qua chính quyền và hội đoàn thể, đây chính là điều kiện cần thiết để có thể giải ngân nguồn vốn dự án cho các hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ. Mặt khác, theo đánh giá của ADB, NHCSXH đã có kinh nghiệm trong giải ngân nguồn vốn vay nhỏ cho công trình biogas không cần tài sản thế chấp từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên việc giải ngân sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn. Hơn nữa nguồn vốn dự án là nguồn vốn trung và dài hạn nên thuận lợi trong việc giải ngân theo mục đích tín dụng của dự án, mức vay không cần tài sản thế chấp lên tới 50 triệu đồng.

Căn cứ kinh nghiệm và thực tế cung cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn, NHCSXH dự kiến thiết kế sản phẩm tín dụng của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp cácbon thấp như sau: Mức cho vay đến 50 triệu đồng/công trình quy mô nhỏ (không phải bảo đảm tiền vay). Dự kiến món vay trung bình là 20 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người vay phải có tài sản bảo đảm tiền vay bằng tài sản. Thời hạn cho vay 3 - 5 năm, thời gian ân hạn 6 tháng. Lãi suất cho vay dự kiến thấp hơn lãi suất thương mại ít nhất 10%. Phương thức giải ngân: Giải ngân một hay nhiều lần theo tiến độ thực hiện xây dựng công trình, người vay ký nhận nợ trực tiếp, ngân hàng phát tiền vay (tiền mặt hoặc chuyển khoản) trực tiếp cho khách hàng hoặc đơn vị cung cấp xây dựng công trình theo thỏa thuận của các bên.
                                                                                                                                                                  daibieunhandan.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây