Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp của dự án LCASP

: Thứ hai - 25/03/2019 18:25  |  Đã xem: 2430
Ban QLDA xin trân trọng giới thiệu Bản tin chuyên đề Khoa học Nông nghiệp và PTNT số 2 năm 2019 do Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát hành. Với mong muốn xây dựng một Chương trình IWM cho ngành chăn nuôi để giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho nông dân giống như hiệu quả đã mang lại của Chương trình IPM cho ngành trồng trọt, tác giả rất mong nhận được sự ủng hộ và góp ý của các Quý vị độc giả.
Trang bìa bản tin chuyên đề số 2 năm 2019
Trang bìa bản tin chuyên đề số 2 năm 2019

Xem toàn văn Bản tin Tại đây

Tóm tắt nội dung:
Cùng với sự phát triển nhanh của ngành chăn nuôi, vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Ở nhiều địa phương, nguồn nước quanh các khu vực dân cư có các trang trại chăn nuôi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của người dân và gây nên những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Mặc dù các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp từ chính sách đến công nghệ nhằm giảm thiểu hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, một số quy định, chính sách và công nghệ khuyến cáo người dân áp dụng vẫn chưa xuất phát từ thực tế sản xuất và nhu cầu của người dân nên việc áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Để có được những chính sách và công nghệ nhằm quản lý hiệu quả ô nhiễm môi trường chăn nuôi, cần có những hiểu biết đầy đủ về hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm, các ưu điểm và hạn chế của các công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi hiện tại và thực tế sản xuất cũng như nhu cầu của người dân.

Trong thời gian 5 năm thực hiện (2013 – 2018), dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã tìm hiểu kỹ về nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và đề xuất các giải pháp căn cơ nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi cho các quy mô chăn nuôi khác nhau, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại từng tỉnh tham gia dự án.

Với quan điểm chủ đạo là coi chất thải chăn nuôi là “nguồn tài nguyên quý giá” cần được xử lý để tạo thu nhập bổ sung cho người dân, qua đó tạo động lực kinh tế để xử lý môi trường bền vững, đồng thời, qua xác định nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường chăn nuôi là việc sử dụng quá nhiều nước trong chăn nuôi, dự án LCASP đã đề xuất quan điểm chủ đạo để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi là áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước, qua đó, giúp tăng cường thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ phục vụ ngành trồng trọt.

Dự án đề xuất xây dựng Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM – Integrated Waste Management) nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về tiết kiệm nước trong chăn nuôi và áp dụng các công nghệ quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp theo hướng vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tăng cường tái sử dụng nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ và năng lượng sinh học. Nếu như ngành Trồng trọt có Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM – Integrated Pest Management) đã rất thành công trong vài chục thập kỷ gần đây, giúp Việt Nam giảm ô nhiễm môi trường đáng kể do sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu hóa học thì ngành Chăn nuôi cũng kỳ vọng có Chương trình IWM sẽ giúp giảm đáng kể ô nhiễm nguồn nước từ hơn 300 triệu m3 nước thải chăn nuôi hằng năm, đồng thời, giúp giảm lượng phân bón hóa học đang phải nhập khẩu hằng năm trị giá hàng tỷ USD.

Để có thể luận giải đầy đủ về tính cần thiết phải có Chương trình Quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM) cho ngành Chăn nuôi, tác giả đã phối hợp cùng các chuyên gia của dự án LCASP và tham khảo các tài liệu có liên quan để có thể tổng hợp một bức tranh tổng thể và đầy đủ về: (i) Đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ở nước ta; (ii) Sự cần thiết phải áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước nhằm bảo vệ môi trường nông thôn; (iii) Mô hình áp dụng công nghệ quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM) của dự án LCASP; (iv) Vai trò của chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp LCASP đóng góp cho Chương trình Quốc gia về Nông thôn mới; (v) Vai trò của chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp IWM trong phát triển nông nghiệp hữu cơ; (vi) Dự kiến tác động của Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM); (vii) Kết luận và kiến nghị.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thế Hinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây