Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm các bon thấp tại Việt Nam

: Thứ hai - 07/11/2016 10:20  |  Đã xem: 1320
Hiện nay, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, nhiều nước trên thế giới đang thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm các bon thấp (SPCBT). Tại Việt Nam, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng SPCBT góp phần thực hiện các lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Một số dự án sản xuất và tiêu dùng SPCBT ở Việt Nam

  Ở Việt Nam, việc sản xuất và tiêu dùng SPCBT đã và đang được triển khai trong một số ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng… thông qua một số chương trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước, tổ chức như Đan Mạch, Nhật Bản, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

  Hiện nay, lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp mỗi năm tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Việc xây dựng các mô hình thí điểm công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp đang trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.

Bếp đun cải tiến TK90 thân thiện môi trường được các hộ gia đình ở Phú Thọ tin dùng

Nhằm cải thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền nông nghiệp các bon thấp, Chính phủ đã hợp tác với ADB triển khai Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) với 3 nội dung chính: Thúc đẩy hệ thống khí sinh học quy mô trang trại chăn nuôi vừa và lớn ở Việt Nam; Các công trình khí sinh học lồng ghép với hệ thống quản lý chất thải chăn nuôi toàn diện; Xây dựng năng lực ở các cấp nhằm tạo sự bền vững cho việc mở rộng mô hình. Dự án thực hiện trong vòng 6 năm (2013 - 2018) tại 10 tỉnh: Hà Tĩnh, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng.

  Bên cạnh đó, từ năm 2013 - 2017, Việt Nam hợp tác với Đan Mạch triển khai Dự án chuyển hóa các bon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE), mục tiêu giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng trong các DN vừa và nhỏ, các công trình xây dựng. Đến nay, Dự án đã có 6 SPCBT được sản xuất: Bếp sinh thái dùng nhiên liệu từ rơm rạ (bếp đun trấu cải tiến); Lò hơi sinh khối (chuyển đổi từ lò hơi đốt than); Lò nung gạch đốt trấu liên hoàn (lò nung gạch thủ công); Lò gas LGP (chuyển đổi lò đốt than); Lò gốm đốt trấu liên hoàn (chuyển đối từ lò gốm thủ công truyền thống); Cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng trong ngành thủy sản. Các SPCBT đã được nghiên cứu cải tạo, sản xuất phù hợp với nhu cầu sử dụng, phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Dự án LCEE đang triển khai nhân rộng sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm tại các tỉnh/TP Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam.

  Phát triển các bon thấp trong một số ngành, nghề khác như chế biến thủy sản, xây dựng (mô hình TP các bon thấp, công trình xây dựng thiết kế theo tiêu chí xanh), khu công nghiệp các bon thấp… cũng đang được thực hiện ở một số tỉnh/TP như Đà Nẵng, Quảng Nam.

  Nhìn chung, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng SPCBT sẽ góp phần xanh hóa sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, việc này còn hạn chế do các dự án chủ yếu được thực hiện chủ yếu với sự tài trợ của quốc tế, chỉ có một số dự án sử dụng nguồn vốn của nhà nước.

   Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng SPCBT tại Việt Nam

  Mặc dù, hệ thống chính sách của Nhà nước hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững tương đối hoàn thiện, song các giải pháp còn mang tính chung chung dẫn đến khó thực hiện. Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các SPCBT, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành để thực hiện một số giải pháp cụ thể:

  Hoàn thiện khung pháp lý: Rà soát, hoàn thiện và thực hiện các chính sách về tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, trong đó chú trọng đến các SPCBT; Phát động chương trình thúc đẩy tiêu dùng bền vững theo quy mô các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế; Triển khai các hoạt động thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng đối với các SPCBT; Nghiên cứu tiêu chí, xây dựng quy trình dán nhãn SPCBT phù hợp với tiêu chí SPCBT của quốc tế; Thực hiện hiệu quả chính sách mua sắm công xanh nhằm kích cầu tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường và khuyến khích DN tham gia sản xuất.

  Đặc biệt, cần có các chính sách khuyến khích, cơ chế ưu đãi đặc thù, hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Xây dựng, hoàn thiện chính sách thương mại, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu SPCBT phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế và khu vực, cũng như các hiệp định môi trường, hiệp định thương mại song phương và đa phương.

  Phát triển khoa học - công nghệ: Thúc đẩy phát triển 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải); Tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về năng lượng sạch, giảm đầu tư vào những dự án phát thải lớn; Khuyến khích các ý tưởng công nghệ các bon thấp; Triển khai các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và năng lượng.

  Về kinh tế: Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo động lực cho các DN tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất SPCBT; Tổ chức hội chợ, triển lãm và hỗ trợ DN tham gia các quầy hàng trong siêu thị dành riêng cho SPCBT; Tạo nguồn vốn đầu tư hướng đến việc khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, công nghệ ứng phó với BĐKH, các dự án xanh, tạo việc làm xanh; Ưu đãi về thuế, phí đối với các SPCBT.

  Nâng cao nhận thức, giáo dục, truyền thông: Đào tạo và phổ biến các kiến thức, chính sách, pháp luật về sản xuất và tiêu dùng SPCBT cho cán bộ, DN và người lao động; Lồng ghép nội dung giáo dục về sản xuất và tiêu dùng bền vững nói chung và SPCBT nói riêng vào trong chương trình giáo dục các cấp. Mặt khác, thiết kế các chương trình quảng cáo và tiếp thị thân thiện môi trường; Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá về nhãn sinh thái cho người tiêu dùng; Tổ chức dán nhãn, trao giải thưởng trong các lĩnh vực kinh doanh; Phát huy vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến lợi ích tiêu dùng SPCBT…

  Đồng thời, cộng đồng DN cần tích cực tham gia, hưởng ứng các chiến lược, chính sách, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng sản phẩm xanh. Từ đó, tạo động lực thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn; tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây